Một ngày ở "sa mạc"

nyz.papie

New Member
Không đơn giản nếu bạn chỉ có 20 lít nước để xoay xở trong 1 ngày: nấu cơm, giặt đồ, luộc rau, vệ sinh cá nhân...
Tưởng tượng thôi đã thấy nan giải. Nhưng 9 người bạn tham gia Thử thách cuộc sống tháng 5 đã gật đầu chấp nhận thách thức...
Nhóm “CƠM HAI TẦNG”
DSC_9020.jpg
- Cao Tiến Chinh (lớp 11A1, trường THPT Bình Khánh, Cần Giờ).
- Nguyễn Thị Thu Cúc (lớp 11A1 trường THPT Lương Thế Vinh, Q.1).
- Huỳnh Công Minh (lớp 11A1 trường THPT Lương Thế Vinh, Q.1).
Nhóm “BẾP LỬA”
HOA_3920.jpg
- Cao Quang Vinh (lớp 12A3, trường THPT Lương Thế Vinh, Q.1).
- Nguyễn Như Yến (lớp 10A2, trường THPT Lương Thế Vinh, Q.1).
- Võ Thị Hồng Sương (lớp 11A2, trường THPT Bình Khánh, Cần Giờ).
Nhóm “CÁI GÌ CŨNG GIỎI”
HOA_4081.jpg
- Mai Lê Phong Phú (lớp 12A2, trường THPT Lương Thế Vinh, Q.1).
- Nguyễn Lê Minh Nhàn (lớp 11A9, trường THPT Lương Thế Vinh, Q.1).
- Nguyễn Thị Ngọc Thu (lớp 11A7, trường THPT Bình Khánh, Cần Giờ).
Họ phải vượt qua
- Thách thức về thời gian: Trong 1 tiếng đồng hồ, phải hứng đầy thùng nước, vận chuyển qua đoạn đường dài 100m, hoàn thành các việc nhóm bếp, giặt đồ, nấu cơm, luộc rau.
- Thử thách về lượng nước: Chỉ có 20 lít nước mà phải giặt sạch 2 kg quần áo, nấu chín 2 lon gạo và luộc được nửa kí rau.
1. KHÓ KHĂN ĐẾN TỪ CÁI BẾP
HOA_3927.jpg
Nhận 3 cái bếp dầu mới toanh từ ban tổ chức, 3 nhóm đều ngẩn ngơ: "Chết chưa, trước giờ chưa bao giờ đụng đến cái này, làm sao đây?" Bắt tay vào mới thấy, nhóm cho bếp dầu cháy là cả vấn đề.
- Nhà toàn xài bếp ga nên các bạn nhóm "Cơm hai tầng" chỉ biết nhìn nhau và... nhìn cái bếp dầu, cười trừ. Sau mấy phút bối rối, Công Minh nhớ ra: "Ở An Giang, mình từng thấy người ta xài loại bếp này rồi. Phải gắn tim trước, đổ dầu vào rồi đốt lửa." Nói thì nói vậy nhưng loay hoay mãi anh chàng mới gắn được bộ tim vào bếp. Chưa có kinh nghiệm nên Minh để tim cao thật cao, khi đốt lửa lên làm cháy đen cả đít nồi. Chưa hết, do không canh được lượng dầu nên nhóm đổ quá ít, nấu được nửa chừng thì dầu cạn queo, phải bắc nồi cơm đang nấu dở xuống đất, chờ cho bếp nguội rồi đổ dầu vào, nấu tiếp, mất rất nhiều thời gian.
- "Cái gì cũng giỏi" đánh vật với bộ tim bếp bằng đủ các "vũ khí" tìm được ở xung quanh: ống hút, que sắt, cành cây khô. Gần 5 phút, bộ tim mới nhét được vào các lỗ. Gắn xong, nhìn sang bên cạnh thì thấy nhóm "Cơm hai tầng" đã bắc nồi lên bếp từ lúc nào. Không vội hốt hoảng, các thành viên bình tĩnh phân công công việc để tiết kiệm thời gian.
- Lóng ngóng nhất là nhóm "Bếp lửa", nhìn hoài vẫn không hiểu là gắn ráp các bộ phận của bếp ra sao. Loay hoay mất một hồi, nhóm quyết định cử Quang Vinh sang "học lóm" các nhóm khác.
Đến khi nhóm làm cho bếp cháy được thì các nhóm khác đã nấu sắp chín món thứ nhất.
2. LÀM CÁI GÌ TRƯỚC, CÁI GÌ SAU?
HOA_3980.jpg

Chỉ có 20 lít nước mà phải làm đủ việc: giặt đồ, rửa rau, vo gạo, nấu cơm, luộc rau. Chưa kể mỗi nhóm chỉ có 1 cái nồi để vừa nấu cơm, vừa luộc rau. Phân bố thời gian làm sao cho hợp lí, làm cái gì trước, cái gì sau để tiết kiệm nhất? Mỗi nhóm có một cách thức lựa chọn:
- "Cơm hai tầng" phân chia công việc: Tiến Chinh đi lấy nước, giặt đồ, Thu Cúc và Công Minh có trách nhiệm nhặt rau, nấu cơm, các việc làm song song. Sau khi nhặt rau xong, Cúc và Minh chọn việc nấu cơm trước vì theo 2 bạn lí giải đây là công đoạn mất nhiều thời gian hơn nên làm trước cho chắc ăn. Nấu giữa chừng thì bếp hết dầu, phải nhắc xuống, nhóm lại bếp, mất khá nhiều thời gian. Chưa kể giặt đồ giữa chừng thì Tiến Chinh thấy thùng nước đã gần hết, đành để thau đồ qua một bên, chờ nấu xong, dư nước rồi... giặt tiếp. Khi cơm đã xong, nhóm phải rửa nồi mới luộc rau được, mất thêm một lượng nước rửa nồi. Rau chín, thùng nước chỉ còn ít xịt, không đủ để xả đồ, cả nhóm mang đồ đi phơi với hi vọng nắng sẽ "đánh bật" bọt xà phòng còn lại. L
- Thấy rằng nếu nấu cơm trước, nồi sẽ bị dính cơm, sẽ phải rửa kĩ mới sạch để luộc rau, mất thời gian và phí nước nên Ngọc Thu đề xuất: "Cái gì cũng giỏi" sẽ luộc rau trước rồi mới nấu cơm. Nồi luộc rau chỉ cần tráng sơ là sạch, không cần rửa kĩ. Trong khi hai bạn luộc rau, vo gạo thì một bạn giặt đồ, các việc làm song song nên đỡ mất thời gian.
- Mất gần nửa thời gian cho việc nhóm bếp, khi "Bếp lửa" bắt tay vào việc chính thì các nhóm khác đã nấu gần xong. "Bếp lửa" quyết định học hỏi kinh nghiệm từ nhóm "Cái gì cũng giỏi", luộc rau trước rồi nấu cơm. Nhưng do vội vàng, rau không chín kĩ, bị cứng và đen. Nồi cơm vừa cạn đã hết giờ. "Độc đáo" nhất là việc nhóm đề ra sáng kiến: lấy nước vo gạo để... giặt đồ.
3. NẤU CƠM KHÔNG DỂ
DSC_8995.jpg

- Nhóm bếp dầu đã khó, nấu cơm bằng bếp dầu còn khó hơn. "Cơm hai tầng" quá sốt ruột nên liên tục mở nắp nồi cơm thăm dò, mặc dù xung quanh khán giả "khuyến cáo": "Giở nhiều quá cơm sẽ không chín được". Ngoài ra, do không biết canh lửa, để lửa quá to nên khi nồi cơm đã cạn queo nước, bắt đầu bốc mùi khét mà lớp trên vẫn còn sống nhăn. Thu Cúc định đổ thêm một ít nước vào để chữa cháy nhưng Tiến Chinh không cho. Lúc đấy, Công Minh nảy ra sáng kiến úp ngược chiếc nồi lại để phần cơm phía bên trên chín đều hơn. Cũng may, cuối cùng lớp trên lớp dưới đều chín dù hơi... bốc mùi.
- Quen với việc nấu cơm bằng bếp củi nên nấu bằng bếp dầu không làm khó được Ngọc Thu. Nồi cơm chín vừa tới, nở đều. Nhỏ còn có sáng kiến: mua hộp nhựa để đựng cơm và rau cho đẹp. Thấy ý tưởng của Thu quá ổn, hai nhóm còn lại cũng bắt chước, đi mua theo.
- "Bếp lửa" vất vả với cái bếp và nồi rau luộc, đến khi cho được nồi cơm lên bếp thì cũng sắp hết giờ nên khi ban giám khảo chấm điểm, cơm của nhóm vẫn còn sống nhăn, cứng ngắc.
4. GIẶT ĐỒ THIẾU NƯỚC LÀM SAO SẠCH?
DSC_9007%281%29.jpg
- Chưa có kinh nghiệm giặt đồ nên Tiến Chinh đổ vào quá trời xà bông, giặt mãi vẫn không sạch bọt, bình nước đã cạn queo mà thau đồ của nhóm "Cơm hai tầng" vẫn còn nhớt nhợt. Nhóm đành buông xuôi "Thôi kệ, đành nhờ điểm cộng từ phần luộc rau, nấu cơm vậy!"
- Sợ thiếu nước nên nhóm "Bếp lửa" cho chút xíu bột giặt vào thau, còn trưng dụng nước vo gạo để giặt đồ vì: "Người ta bảo, rửa chén bằng nước vo gạo rất sạch, chắc dùng nước này giặt đồ cũng sạch." Kết quả là, thau đồ tuy không còn bọt xà phòng nhưng quần áo vẫn còn đen thui, dơ hầy dù qua 2 lần xả.
- Để tiết kiệm và không mất thời gian, "Cái gì cũng giỏi" giặt từng cái quần, cái áo chứ không bỏ vào thau chung một lượt. "Giặt như vậy không bị vướng tay, không mất thời gian mà cũng không cần phải đổ thật nhiều nước cho 1 lần giặt xả", các bạn lí giải. Nhờ cách này mà nhóm đủ nước để xả đến 4 lần.
Kết quả chung cuộc
HOA_4025.jpg
Cuối cùng, quần áo cũng được phơi khô, rau vừa chín tới, cơm cũng được trình bày lên hộp tinh tươm nhưng chấm theo tiêu chí nhanh, sạch, bảo đảm chất lượng thì nhóm "Cái gì cũng giỏi" giành được điểm tuyệt đối.
TỪ HÀNG GHẾ GIÁM KHẢO
Thầy Trần Minh Hoàng, trợ lí thanh niên trường Bình Khánh:
Những thử thách cam go kì này vừa giúp các bạn trang bị thêm nhiều kĩ năng như tiết kiệm nước như thế nào, nấu cơm, nhóm bếp làm sao,... vừa giúp kết nối học sinh hai trường nội thành và ngoại thành. Trường Bình Khánh rất vui khi MTĐB đã xuống tận Cần Giờ tạo sân chơi thú vị cho các em, giúp các em có được tinh thần phấn chấn để bước vào kì thi HK2 sắp tới. Cuộc thi đã phát huy tinh thần sáng tạo, năng động vốn có của các em. Các đội phối hợp với nhau rất tốt, thể hiện được khả năng làm việc nhóm dù các bạn chỉ vừa làm quen nhau chưa lâu.
Ca sĩ - diễn viên Phùng Ngọc Huy:
Xưa Huy có hay phụ mẹ nên khi tham gia sân chơi này, cảm thấy rất thú vị, bản thân Huy cũng học được cách làm sao để sử dụng bếp dầu. Làm giám khảo mà Huy cũng hồi hộp, không biết các bạn có hoàn thành được thử thách hay không. Yêu cầu đặt ra: chỉ được sử dụng 20 lít nước để làm tất cả các thứ thiệt là khó. Trước giờ, Huy xài nước cũng phung phí, xài máy bơm nên không tiết kiệm. Sau khi tham gia chương trình này, Huy cũng suy nghĩ lại và tiết kiệm nước hơn. Mùa nắng nóng, nhiều nơi cũng gặp tình trạng thiếu nước sinh hoạt, mình có ý thức tiết kiệm thì các bạn ở nơi đó sẽ có thêm nước để dùng.
"NGƯỜI TRONG CUỘC" NÓI GÌ?
Ngọc Thu, nhóm trưởng nhóm “Cái gì cũng giỏi”:
Ở dưới Cần Giờ, có khi cả tuần không xả nước, có nhiều chỗ phải vác nước dưới hồ, lắng lại để dùng. Bọn mình thường xuyên phải chờ nước từ các xà lan chở về, nước ít nên quý lắm. Với tụi mình, xài 20 lít nước cho từng đó công việc vẫn là quá nhiều. Hàng ngày, bọn mình phải luôn tính toán làm sao để xài cho tiết kiệm nhất. Nước vo gạo có thể rửa chén, nước rửa rau có thể tưới cây, chà sàn nước,... Tiết kiệm nước trở thành thói quen và ý thức của tụi mình rồi.
Quang Vinh, nhóm trưởng nhóm “Bếp lửa”:
Mệt nhất là lúc khiêng nước, rất mỏi tay. Chỉ vận chuyển quãng đường 100m mà mình đã thấy oải. Ở thành phố, chưa phải trải qua những chuyện như vậy nên sau thử thách lần này, mình cảm thấy thương hơn các bạn ở Cần Giờ và các khu thiếu nước. Các bạn vừa phải khiêng nước rất xa, rất nặng, vừa phải tiết kiệm từng giọt nước. Bản thân mình sau này mà xài nước phung phí cũng tự thấy mình có lỗi.
Thu Hằng, lớp 11A7, THPT Bình Khánh, Cần Giờ:
Chỗ mình ở hay xảy ra hiện tượng cúp nước, cúp khoảng 2 - 3 ngày. Nhà có 6 người và tình trạng cúp nước đột ngột xảy ra thường xuyên, nhất là vào mùa nắng nên từ nhỏ đã có ý thức tiết kiệm nước. Tắm tiêu chuẩn một xô nước, giặt đồ thì hai ngày giặt một lần. Còn những việc khác cần đến nước như lau nhà, rửa chén... phải biết tính toán. Lúc nào nhà cũng đề phòng, xài nước hôm nay tiết kiệm cho ngày mai nữa.
"GHI-NÉT" CỦA THỬ THÁCH CUỘC SỐNG
DSC_9024.jpg
- Người đảm đang nhất: Là bạn Ngọc Thu, nhóm trưởng nhóm “Cái gì cũng giỏi”. Từ đầu đến cuối, nhỏ luôn là người đưa ra ý tưởng: làm cái gì trước, cái gì sau, làm gì cho tiết kiệm. Ở nhà chuyên làm việc nhà giúp mẹ nên với Thu những việc này bạn làm ngon ơ.
- Nhân vật nhiệt tình nhất: Là ca sĩ - diễn viên Phùng Ngọc Huy. Giữ vai trò ban giám khảo, giám sát nhóm "Bếp lửa" thế mà anh chàng rất hăng hái bày vẽ cách làm cho nhóm, hỗ trợ gắn tim bếp, chạy qua chạy lại xem các nhóm khác để về tư vấn cho "Bếp lửa". Đến phần chấm điểm, Huy cũng "nhiệt tình" nếm thử sản phẩm của các nhóm bất chấp lời cảnh báo từ phía khán giả "Coi chừng cơm sống". Rất may là sau khi nếm thử, vị giám khảo này không bị đau bụng.
- Người "xì tin" nhất: Là thầy Lê Minh Tân, trợ lí thanh niên trường Lương Thế Vinh. Tháp tùng các bạn trường Lương Thế Vinh đến trường Bình Khánh tham gia chương trình, thầy cũng chọn mặc áo thun của shop Xì tin giống các bạn học sinh để "thể hiện tinh thần đoàn kết thầy trò". Khi các nhóm đang thi với nhau, thầy chạy qua nhóm này, rồi nhóm kia, luôn miệng cổ vũ: "Con ơi, cố lên, cố lên".
MTĐB xin chân thành cảm ơn Ban giám hiệu, thầy trợ lí thanh niên trường THPT Bình Khánh - Cần Giờ và trường THPT Lương Thế Vinh - Quận 1 đã hỗ trợ chuyên mục Thử thách cuộc sống thực hiện chương trình này.
Thực hiện: PHƯƠNG ANH - NGỌC YẾN -
TUYẾT HƯỜNG - CHÁNH TRUNG - THANH HÀ
Ảnh: TÙNG CHÂU - CHÍ LỘC
 
Top