Nhà Hậu Lê (1428 - 1788)

gaubaccuc

I stand alone in the darkness
Nhà Hậu Lê (1418–1527, 1533–1788) là triều đại được thành lập sau khi Lê Thái Tổ (tức Lê Lợi) lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chiến thắng quân Minh (xem chi tiết bài Lê Lợi).
Nhà Hậu Lê gồm hai giai đoạn: Lê sơ (1428-1527) và Lê trung hưng (1533-1788).

Thời Lê sơ

Thời Lê sơ kéo dài đúng 100 năm, có 10 vua thuộc 6 thế hệ.

Xây dựng đất nước

Giai doạn đầu là thời kỳ xây dựng lại đất nước sau thời bị nhà Minh đô hộ. Sau khi lên ngôi, Lê Thái Tổ nhanh chóng bắt tay vào xây dựng đất nước bị tàn phá qua nhiều năm chiến tranh.
Lê Thái Tổ chia nước ra làm 5 đạo, đạo mới đặt gọi là Hải Tây đạo, gồm cả Thanh Hóa, Nghệ An, Tân Bình và Thuận Hóa. Trong các đạo, đạo nào cũng có quan Hành khiển để giữ sổ sách về việc quân-dân.
Trường Quốc Tử Giám ở đất kinh đô để cho con cháu các quan viên và những người thường dân tuấn kiệt vào học tập; mở nhà học và đặt thầy dạy nho học ở các phủ và các lộ.
Về kinh tế, Lê Thái Tổ định ra phép quân điền để lấy công điền, công thổ mà chia cho mọi người, từ quan đại thần cho đến những người già yếu cô quả, ai cũng có một phần ruộng, khiến cho sự giàu nghèo ở trong nước khỏi chênh lệch.
Sang thời Lê Thánh Tông, vua tiến hành một loạt cải cách đưa Đại Việt bước vào thời kỳ phát triển thịnh trị được coi là hoàng kim của chế độ phong kiến Việt Nam. (xem chi tiết bài Lê Thánh Tông).
Về quân sự, Lê Thánh Tông ra sắc chỉ đầu tiên là chỉnh đốn lại quân đội, đôn đốc và thực hiện các bước để tăng cường các khả năng chiến đấu của các vệ quân năm đạo. Việc canh phòng và cảnh giác về vấn đề biên cương rất chặt chẽ và cẩn thận nên triều đình nhà Minh rất tôn trọng và có phần e ngại. Vũ khí quân sự dưới thời Lê Thánh Tông đã có những tiến bộ vượt bậc. Lê Thánh Tông cải tổ quân đội mạnh mẽ về mặt tổ chức, trước đó quân đội chia làm 5 đạo vệ quân, nay đổi làm 5 phủ đô đốc. Mỗi phủ có vệ, sở. Bên cạnh còn có 2 đạo nội, ngoại, gồm nhiều ti, vệ. Ngoài tổ chức quân thường trực, Lê Thánh Tông còn chú ý lực lượng quân dự bị ở các địa phương. 43 điều quân chính là luật quân đội Lê Thánh Tông ban hành cho thấy kỷ luật quân đội của ông rất nghiêm ngặt, có sức chiến đấu cao.
Về hành chính, nhà nước phong kiến tập quyền qua các đời từ nhà Trần chỉ có 4 bộ: Hình, Lại, Binh, Hộ. Đời vua Lê Thái Tổ chỉ có 3 bộ: Lại, Lễ, Dân (tức Hộ Bộ). Lê Thánh Tông tổ chức thành sáu bộ:
  • Lại Bộ: Trông coi việc tuyển bổ, thăng thưởng và thăng quan tước;
  • Lễ Bộ: Trông coi việc đặt và tiến hành các nghi lễ, tiệc yến, học hành thi cử, đúc ấn tín, cắt giữ người coi giữ đình, chùa, miếu mạo;
  • Hộ Bộ: Trông coi công việc ruộng đất, tài chính, hộ khẩu, tô thuế kho tàng, thóc tiền và lương, bổng của quan, binh;
  • Binh Bộ: Trông coi việc binh chính, đặt quan trấn thủ nơi biên cảnh, tổ chức việc giữ gìn các nơi hiểm yếu và ứng phó các việc khẩn cấp;
  • Hình Bộ: Trông coi việc thi hành luật, lệnh, hành pháp, xét lại các việc tù, đày, kiện cáo;
  • Công Bộ: Trông coi việc xây dựng, sửa chữa cầu đường, cung điện thành trì và quản đốc thợ thuyền.
Về cơ cấu chính quyền các cấp, ông đã tiến hành xóa bỏ hệ thống tổ chức hành chính cũ thời Lê Lợi từ 5 đạo đổi thành 12 đạo (thừa tuyên).
Dưới thời Lê Thánh Tông, các quan chỉ được làm việc tối đa đến tuổi 65 và ông bãi bỏ luật cha truyền con nối cho các gia đình có công - công thần. Ông tôn trọng việc chọn quan phải là người có tài và đức.
Về kinh tế, Lê Thánh Tông còn đặc biệt quan tâm các chính sách nhằm phát triển kinh tế như, sửa đổi luật thuế khóa, điền địa, khuyến khích nông nghiệp, mở đồn điền. Các ngành nghề thủ công nghiệp và xây dựng dưới thời trị vì của Lê Thánh Tông cũng phát triển rực rỡ. Thương mại và giao dịch buôn bán với các lân bang phát triển mạnh, cùng với bước chân viến chinh xa xôi của đội quân đế chế Đại Việt. Nhờ sự quan tâm đến việc phát triển thương nghiệp nên nền nông nghiệp đã phát triển mạnh mẽ. Các nghề thủ công như: Dệt lụa, ươm tơ, dệt vải, nghề mộc, nghề chạm, nghề đúc đồng cũng phát triển. Kinh đô Thăng Long 36 phố phường sầm uất, nhộn nhịp tồn tại phát triển đến tận ngày nay. Phường Yên Thái làm giấy, phường Nghi Tàm dệt vải lụa, phường Hà Tân nung vôi, phường Hàng Đào nhuộm điều, phường Ngũ Xá đúc đồng, phường gạch và gốm sứ Bát Tràng và nhiều phường khác nữa...
Về giáo dục, Lê Thánh Tông khởi xướng và cho lập bia tiến sỹ lần đầu tiên ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám vào năm 1484. Cùng với việc xây dựng thiết chế mới, Lê Thánh Tông đẩy mạnh phát triển giáo dục, đào tạo nhân tài. Ngoài Hàn lâm viện, Quốc sử viện, nhà Thái học, Quốc Tử Giám là những cơ quan văn hóa, giáo dục lớn, Lê Thánh Tông còn cho xây kho bí thư chứa sách, đặc biệt đã sáng lập Hội Tao Đàn bao gồm những nhà văn hóa có tiếng đương thời mà Lê Thánh Tông là Tao Đàn chủ soái. Việc thi cử và học tập thường xuyên và rất nhiều tiến sĩ và trạng nguyên đỗ đạt và thành danh. Ông khởi xướng lập bia Tiến sĩ và tiến hành cho dựng để ghi danh, tôn vinh những người tài và đức của dân tộc Đại Việt ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám và các thế hệ, các triều đình sau này tiếp tục bổ sung thêm các tấm bia vinh danh mới.
Dưới thời Lê sơ nói chung, và trong thời trị vì Lê Thánh Tông nói riêng, Phật giáo bị đẩy lui xuống sinh hoạt ở các làng xã, trong khi đó Nho giáo lại được coi trọng và lên ngôi, đặc biệt là khu vực triều đình và giới nho học. Đó là đặc điểm chính của thời kỳ này. Mặt khác do trước đó chịu sự tận diệt của nhà Minh nên nhiều chùa chiền, cung điện và các phật tử phát triển rực rỡ ở các triều đại nhà Lý, nhà Trần đã bị xóa bỏ.
Đặc biệt về luật pháp, Bộ Quốc triều hình luật của nhà Hậu Lê đã được hoàn thiện trong thời Lê Thánh Tông, nên còn được gọi là Luật Hồng Đức. Với bộ luật này, Đại Việt đã hình thành một nhà nước pháp quyền sơ khởi và thuộc loại sớm trên thế giới. Lê Thánh Tông đã lấy những quan điểm của nho giáo làm hệ tư tưởng, chỉ đạo việc biên soạn, ban hành luật pháp, nhằm thể chế hoá một nhà nước phong kiến Đại Việt, với truyền thống nhân nghĩa, lấy dân làm gốc. Xem bài Luật Hồng Đức.

Biến loạn cung đình

Dù phát triển thịnh trị nhưng bên trong cung đình nhà Hậu Lê từ buổi đầu thành lập và sau này vẫn hay xảy ra xung đột.

Quận Ai vương

Thời Lê Thái Tổ xảy ra tranh chấp ngôi thái tử giữa hai phe con trưởng Lê Tư Tề và con thứ Lê Nguyên Long và phe Nguyên Long thắng thế (xem chi tiết bài Lê Thái Tổ). Thái tử Tư Tề bị kết luận mắc chứng điên khùng và bị phế. Nguyên Long lên ngôi tức là vua Lê Thái Tông. Sau Tư Tề bị em giáng làm thứ dân và chết yểu, được gọi là Quận Ai vương.

Nguyễn Thị Anh

Vua Thái Tông còn nhỏ lên ngôi nhưng đã tỏ ra là người sáng suốt. Vua trọng dụng các đại thần chính trực như Nguyễn Trãi, Nguyễn Xí, Đinh Liệt, giáng chức bè đảng Lê Sát, Lê Ngân.
Vua Thái Tông có 4 người con là Nghi Dân, Khắc Xương, Bang Cơ, Tư Thành. Vì các hoàng tử đều còn quá nhỏ (chỉ chênh nhau một vài tuổi) nên việc tranh chấp ngôi thái tử xảy ra giữa các bà vợ vua Thái Tông. Nghi Dân là con lớn nhất của bà Dương thị vốn đã được lập làm thái tử dù còn rất nhỏ. Nhưng sau đó Nguyễn Thị Anh được vua sủng ái nên năm 1441 vua truất ngôi của Nghi Dân mà lập con bà này là Bang Cơ. Bà mẹ của Khắc Xương vốn không được vua sủng ái nên không thể tranh chấp ngôi thái tử. Tuy nhiên, nhiều người trong triều dị nghị rằng, Nguyễn Thị Anh đã có thai trước khi vào cung và Bang Cơ không phải là con vua Thái Tông. Cùng lúc đó, một bà phi khác của vua là Ngô Thị Ngọc Dao lại có mang sắp sinh. Nguyễn Thị Anh sợ chuyện bại lộ thì ngôi lớn sẽ thuộc về con bà Ngọc Dao nên tìm cách hại bà Ngọc Dao. Bà này được vợ chồng Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ hết sức che chở, mang đi nuôi giấu và sinh được hoàng tử Lê Tư Thành năm 1442. Biết bà Ngọc Dao đã sinh con trai mà ngày càng nhiều người đồn đại về dòng máu của Bang Cơ, nhân lúc con mình còn đang ở ngôi đương kim thái tử, Nguyễn Thị Anh chủ động ra tay trước. Nhân dịp vua Thái Tông về thăm Nguyễn Trãi, sợ Nguyễn Trãi gièm pha mình và nói tốt cho Tư Thành nên bà sai người sát hại vua Thái Tông rồi đổ tội cho vợ chồng Nguyễn Trãi. (xem chi tiết Vụ án Lệ Chi Viên)
Sau khi Thái Tông mất, Bang Cơ lên ngôi, tức là Lê Nhân Tông, Nguyễn Thị Anh được làm thái hậu, nắm quyền trị nước.

Lê Nghi Dân

Xem thêm bài: Lê Nghi Dân
Năm 1459, Lê Nghi Dân làm binh biến giết mẹ con Nguyễn Thị Anh, trong chiếu lên ngôi nói: "Diên Ninh (niên hiệu của Nhân Tông) vốn không phải là con tiên đế...". Nghi Dân lên ngôi cải niên hiệu là Thiên Hưng.
Nghi Dân làm vua được 8 tháng, tới tháng 6 năm 1460, các đại thần Nguyễn Xí, Đinh Liệt lại làm binh biến lật đổ Nghi Dân, lập con út của Thái Tông là Tư Thành lên ngôi, tức là Lê Thánh Tông.

Nguyễn Thị Hằng

Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, năm 1497, vua Thánh Tông bị bệnh. Hoàng hậu Trường Lạc Nguyễn Thị Hằng[1] vốn bị vua xa lánh lâu ngày, lấy cớ vào thăm bệnh vua rồi ngầm bôi thuốc độc vào tay, xoa lên những chỗ loét của vua. Do đó bệnh vua càng nặng thêm và mất. Vì Nguyễn Thị Hằng là con đại thần Nguyễn Đức Trung, ông tổ của Nguyễn Kim, Nguyễn Hoàng là tổ nhà Nguyễn sau này nên sử nhà Nguyễn bỏ qua không đề cập về cái ghen của hoàng hậu họ Nguyễn đã giết vua Lê.
Vua Thánh Tông có nhiều vợ và có 14 người con trai, thường mãn nguyện nói với các quan, đại ý rằng: Trẫm có lắm con trai, cơ nghiệp sau này vững bền không phải lo gì nữa. Nhưng Trạng Lường là Lương Thế Vinh thẳng thắn tâu đại lược rằng: Lắm con trai chỉ là đầu mối của loạn lạc.
Chỉ hơn 10 năm sau cái chết của Thánh Tông, điều Trạng Lường nói đã thành hiện thực.

Nhà Lê sụp đổ


Vua quỷ, vua lợn

Xem chi tiết: Lê Uy Mục, Lê Tương Dực
Thái tử Tranh lên ngôi, tức là Lê Hiến Tông. Vua Hiến Tông kế tục giữ nguyên kỷ cương của cha nên trong ngoài vô sự. Năm 1504, vua Hiến Tông mất, con thứ là Thuần lên ngôi, tức là Lê Túc Tông. Túc Tông yểu thọ, giữa năm lên ngôi, cuối năm đã qua đời lúc mới 17 tuổi. Triều thần lập anh là Tuấn lên ngôi, tức là Lê Uy Mục. Uy Mục đế tàn ác, bị gọi là "vua quỷ", giết chết thái hoàng thái hậu vốn là Trường Lạc hoàng hậu Nguyễn Thị Hằng, người hại vua Thánh Tông trước đây, vì bà này hối hận việc lập Uy Mục đế lên ngôi. Sau đó Uy Mục đế lại giết các con thuộc chi của Kiến vương Tân (một người con của Thánh Tông). (xem bài Lê Uy Mục)
Một người con của Kiến vương Tân là Oanh cùng Nguyễn Văn Lang là em họ của thái hậu Nguyễn Thị Hằng[2] khởi binh giết Uy Mục lên ngôi, tức là Lê Tương Dực. Tương Dực ăn chơi trụy lạc, bị gọi là "vua lợn". Dân gian bị bóc lột cùng khốn, đồng loạt nổi dậy làm phản: Thân Duy Nhạc, Ngô Văn Tổng, Trần Tuân và nhất khởi nghĩa Trần Cảo. Trong triều nảy sinh bè phái, đại thần Trịnh Duy Sản, người có công dẹp khởi nghĩa Trần Tuân, giết chết vua Tương Dực, cùng thái sư Lê Quảng Độ lập chắt của Thánh Tông (gọi Tương Dực bằng chú) là Y mới 11 tuổi [3] lên ngôi, tức là Lê Chiêu Tông. Trong khi đó Trịnh Duy Đại và Phùng Mại lại lập người chắt khác của Thánh Tông là Doanh mới 8 tuổi lên ngôi. Phe này thất thế chạy về Tây Đô. Sau Duy Đại giết chết Doanh.

Trần Cảo

Xem chi tiết: Trịnh Duy Sản, Trần Cảo
Trần Cảo là lực lượng khởi nghĩa mạnh nhất, đánh chiếm kinh thành Thăng Long, tự xưng làm vua, thái sư Quảng Độ đầu hàng. Có người nói rằng đây là quả báo cho nhà Lê vì ngày thành lập, Lê Thái Tổ đã giết Trần Cảo để giành ngôi (xem bài về Lê Lợi) nên về sau con cháu bị một Trần Cảo khác báo oán và đây chính là hậu thân của Trần Cảo - Hồ Ông.
Lê Chiêu Tông bỏ chạy vào Tây Đô. Các tướng tạm gác việc xung đột để chống Trần Cảo. Cảo thua rút khỏi Thăng Long. Trịnh Duy Sản đi đánh Cảo bị tử trận ở Chí Linh. Cảo lại mang quân về định đánh kinh thành, con nuôi Duy Sản là Trần Chân phá được Cảo ở Gia Lâm. Cảo thua chạy rút qua sông Cầu, truyền ngôi cho con là Cung và bỏ đi làm sư mất tích.

Mạc Đăng Dung

Xem thêm bài: Mạc Đăng Dung, Lê Chiêu Tông
Trần Cảo rút đi, các tướng lại chia bè phái đánh nhau. Nguyễn Hoằng Dụ (con Nguyễn Văn Lang) đánh nhau với Trịnh Tuy. Tuy thua chạy về Tây Đô (Thanh Hoá). Trần Chân về phe với Tuy [4] đánh đuổi Hoằng Dụ, nắm lấy quyền trong triều. Tháng 7 năm 1518, vua Chiêu Tông nghe lời gièm pha, sợ quy quyền của Trần Chân nên sai người giết Chân. Thủ hạ của Chân là Nguyễn Kính nổi loạn.
Tháng 9 năm 1518, Trịnh Tuy và văn thần Nguyễn Sư lập một tôn thất có họ xa với Chiêu Tông là Lê Do[5] làm vua và sai người dụ Nguyễn Kính. Kính thấy Tuy là người cùng phe với Trịnh Duy Sản và Trần Chân trước đây nên đồng lòng đi theo.
Chiêu Tông triệu thông gia của Trần Chân là Mạc Đăng Dung [6] đang trấn thủ Hải Dương và Nguyễn Hoằng Dụ về cứu. Hoằng Dụ đánh bị thua chạy về Thanh Hóa rồi chết. Đăng Dung một mình nhân cầm quân dẹp loạn mà nắm hết quyền bính.
Tháng 7 năm 1519, Đăng Dung dẹp được Lê Do, bắt giết Do và Nguyễn Sư. Trịnh Tuy bỏ chạy vào Thanh Hoá, Nguyễn Kính đầu hàng.
Năm 1521, Mạc Đăng Dung dẹp được Trần Cung (con Trần Cảo), quyền thế át cả Chiêu Tông. Năm 1522, Chiêu Tông chạy ra ngoài gọi quân Cần vương. Đăng Dung bèn lập em Chiêu Tông là Xuân lên ngôi, tức là Lê Cung Hoàng, tuyên bố phế truất Chiêu Tông.
Vua Chiêu Tông được các tướng Hà Phi Chuẩn, Đàm Thận Huy, Lê Đình Tú về cứu, thanh thế rất lớn. Nhưng sau đó Trịnh Tuy ở Thanh Hóa ra cần vương, các tướng bất hoà. Trịnh Tuy tranh công mang Chiêu Tông vào Thanh Hoá, ra lệnh các đạo bãi binh, từ đó các tướng không theo Chiêu Tông nữa.
Năm 1523, Mạc Đăng Dung nhân phe Chiêu Tông yếu thế, điều quân đánh Thanh Hoá. Năm 1524, Trịnh Tuy thua trận bỏ chạy rồi chết. Năm 1525, Mạc Đăng Dung bắt được Chiêu Tông mang về Thăng Long và giết chết năm 1526.
Các đối thủ đều bị dẹp yên, không còn ai ngăn trở, năm 1527, Mạc Đăng Dung phế truất Cung Hoàng lên ngôi, lập ra nhà Mạc (xem chi tiết bài Mạc Đăng Dung). Nhà Lê sơ truyền đúng 100 năm và mất chỉ 30 năm sau cái chết của vua Lê Thánh Tông.

Nhà Lê trung hưng

Sai khi Mạc Đăng Dung lên ngôi, anh em Trịnh Ngung, Trịnh Ngang sang Trung Quốc cầu viện nhà Minh nhưng nhà Minh không đáp ứng. Hai anh em chết già ở Trung Quốc. Năm 1529, tôn thất nhà Lê là Lê Ý khởi binh chống
Nhà Lê trong chiến tranh Lê-Mạc

Xem chi tiết: Chiến tranh Lê-Mạc, nhà Mạc

"Con vua Chiêu Tông"

Từ năm 1529, một tướng của nhà Lê sơ là Nguyễn Kim chạy vào vùng núi Thanh Hóa rồi sang Ai Lao chống nhà Mạc. Đến năm 1533, Kim tìm được con vua Chiêu Tông là Ninh đưa lên ngôi tại Ai Lao, tức là vua Trang Tông. Các sử gia nghi ngờ tính xác thực của việc Ninh là con vua Chiêu Tông vì cha con chênh nhau quá ít tuổi[7]. Nhà Mạc, trong biểu tâu nhà Minh còn nói Kim dựng con mình lên ngôi, xưng bừa là con vua Chiêu Tông.
Dù sao, việc vua Lê được lập lại khiến một bộ phận nhân dân, sĩ phu theo về vì thiên hạ còn nhớ nhà Lê. Nguyễn Kim mang quân về nước đánh chiếm Thanh Hoá. Từ đó sử gọi nhà Mạc là Bắc triều và nhà Lê trung hưng là Nam triều.

Dòng dõi Lê Trừ

Nguyễn Kim bị sát hại, con rể là Trịnh Kiểm lên thay. Năm 1548 vua Trang Tông mất, con là Trung Tông lên thay. Được 8 năm Trung Tông mất không con nối, Trịnh Kiểm tìm một người tôn thất là dòng dõi Lê Trừ (anh Thái Tổ) lên ngôi, tức là Lê Anh Tông.
Năm 1570, Trịnh Kiểm chết, hai con Trịnh Cối, Trịnh Tùng tranh ngôi. Con lớn là Cối yếu thế sang hàng Mạc. Vua Anh Tông muốn giành lại quyền lực từ tay Tùng nên mâu thuẫn với Tùng, chạy đi nơi khác. Tùng lập con út của vua lên ngôi, tức là Lê Thế Tông và lùng bắt cha con vua mang về giết chết. Việc triều chính từ đó hoàn toàn do họ Trịnh quyết định không cần hỏi vua Lê (xem chi tiết bài Chúa Trịnh). Chiến tranh Lê-Mạc là trên danh nghĩa, thực ra là chiến tranh Trịnh-Mạc.
Nhờ tài năng của Trịnh Kiểm, Trịnh Tùng, quân nhà Lê dần dần thắng thế. Năm 1592, quân Nam triều chiếm được Thăng Long, họ Mạc bỏ chạy lên cát cứ ở Cao Bằng.

Khoanh tay rủ áo

Sau cái chết của vua Anh Tông, cháu vua là Lê Kính Tông (Duy Tân - con vua Thế Tông) cũng có ý định chống Trịnh Tùng và cũng bị thắt cổ năm 1619. Kể từ đó các vua Lê hoàn toàn "khoanh tay rủ áo", như cách nói của các sử gia đương thời, đối với chính sự. Mọi công việc từ trị sự đến quân sự đều do chúa Trịnh đảm đương. Khi kinh thành được khôi phục, ngoài cung vua phía đông còn có phủ chúa ở phía tây.
Vì vậy, mọi thành tựu, sự kiện, từ quân sự đến xã hội, thịnh trị hay rối ren, đều do tay họ Trịnh. Các chúa Trịnh đều là những người giỏi cai trị và ngoại giao nên tình hình Bắc Hà - khi họ Nguyễn đã cát cứ trong Nam - nhìn chung ổn định. Chẳng những việc chính sự mà ngay cả chuyện vợ con của các vua Lê cũng do các chúa Trịnh sắp đặt. Phần nhiều vợ các vua Lê là con gái họ Trịnh để ràng buộc.
Sau Kính Tông, trong một thời kỳ dài không có vua Lê nào chống đối họ Trịnh. Tuy nhiên, các tôn thất không phải hoàn toàn chịu mất quyền, điển hình là Lê Duy Mật và thái tử Duy Vĩ. Lê Duy Mật định làm binh biến ở Thăng Long lật đổ họ Trịnh nhưng không thành nên trốn ra ngoài khởi nghĩa, cát cứ ở Trấn Ninh 30 năm trời. Thái tử Duy Vĩ (con vua Hiển Tông) cũng muốn khôi phục quyền cho nhà Lê nhưng bị chúa Trịnh Sâm giết năm 1771.
Các vua Chân Tông, Huyền Tông, Gia Tông đều là vua thiếu niên và mất sớm. Các vua Thế Tông, Thần Tông, Dụ Tông, Hy Tông, Thuần Tông và nhất là Hiển Tông (Cảnh Hưng) sau này là những ông vua "khoanh tay rủ áo" như vậy. Khi Nguyễn Huệ ra bắc dẹp họ Trịnh, vua Hiển Tông than thở với cận thần, đại ý rằng: Không có nhà chúa mang đỡ việc, trẫm lại đâm lo, vì từ nay trẫm phải khó nhọc. Câu nói đó phản ánh tư tưởng an phận giữ mình của các vua Lê.

Nhà Lê kết thúc

Xem thêm bài: Nhà Tây Sơn, Nguyễn Hữu Chỉnh
Sau khi Hiển Tông mất, đúng lúc Tây Sơn rút về nam. Cháu vua là Duy Kỳ (con Duy Vĩ) lên thay, tức là vua Chiêu Thống. Được tác động của anh em Tây Sơn, vua Lê muốn khôi phục lại địa vị cũ, báo thù cho cha, nên khi họ Trịnh ngóc đầu trở lại, lập tức Chiêu Thống gọi tướng giỏi nhất Bắc Hà lúc đó là Nguyễn Hữu Chỉnh ở Nghệ An ra cứu. Chỉnh đánh tan quân Trịnh, đuổi Trịnh Bồng đi mất tích. Nhưng sau đó vua Lê lại bị Chỉnh lộng quyền. Tây Sơn kéo ra giết Chỉnh, rồi tướng Tây Sơn là Vũ Văn Nhậm cũng mưu đồ cát cứ. Chiêu Thống phải bỏ đi lưu vong.
Bản ý của Nguyễn Huệ vẫn muốn tôn phò nhà Lê, nhưng Chiêu Thống lại không muốn sống chung với Tây Sơn nên sang cầu viện nhà Thanh (1788). Nhà Thanh phát binh đánh Việt Nam. Trước tình thế đó, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, tức là vua Quang Trung mang quân đánh tan quân Thanh (1789), Chiêu Thống bỏ chạy theo về Trung Quốc.
Dù sau đó Lê Duy Kỳ cố xin viện binh lần nữa nhưng bằng chính sách ngoại giao khéo léo, nhà Tây Sơn đã tránh được cuộc đụng đầu khác với nhà Thanh. Vua Thanh không phát binh nữa, phân tán các bầy tôi nhà Lê, tách khỏi Duy Kỳ để cô lập dần. Duy Kỳ uất hận chết ở Bắc Kinh năm 1792 lúc mới 28 tuổi.
Nhà Hậu Lê chính thức mất năm 1789, trước sau tồn tại hơn 350 năm, chỉ có 6 năm gián đoạn, là triều đại phong kiến dài nhất trong lịch sử Việt Nam (không tính Hùng Vương).

Nhận định


Công lao, thành tựu

Giống như Hai Bà Trưng, Lý Nam Đế, Mai Hắc Đế, Phùng Hưng, nhà Hậu Lê lên cầm quyền ở Việt Nam nhờ công đánh đuổi người phương Bắc để giành lại nước. Nhưng khác với thế hệ trước, nhờ có cơ sở vững chắc do các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần trước đó tạo dựng nên thành quả đánh ngoại xâm của nhà Hậu Lê được giữ gìn trong thời gian dài. Nước Đại Việt từ nhà Hậu Lê tồn tại được hơn 400 năm.
Các vua đầu thời Lê như Thái Tổ, Thái Tông, Thánh Tông đều là những vua giỏi, đặc biệt là Thánh Tông, đã đưa Việt Nam tới thời hoàng kim của chế độ phong kiến. Chẳng những có thành tựu về chính trị, kinh tế mà cả giáo dục và nhất là quân sự khiến nước Đại Việt được mở mang tới phía bắc Nam Trung Bộ. Cũng chính cuộc tấn công của vua Thánh Tông đánh dấu bước khởi đầu cho sự diệt vong của nước Chiêm Thành mà các chúa Nguyễn sau này hoàn thành. Dù trong cung đình nhà Lê luôn có biến, nhiều việc khuynh loát, tranh quyền xảy ra nhưng chính sách đối nội, đối ngoại không thay đổi, đời sống nhân dân được đảm bảo nên nước Đại Việt vẫn phát triển vững mạnh. Ngay thời Nhân Tông, dù vua còn nhỏ và Nguyễn Thái hậu chấp chính nhưng vẫn không gây xáo trộn xã hội, nhân dân không bị điêu đứng như thời Uy Mục, Tương Dực sau này.

Chính thống, ngụy triều

Lê Hiến Tông đã đúng khi chọn Túc Tông Thuần là người kế nghiệp nhưng vua này lại yểu mệnh và có lẽ đó là bước ngoặt đầu tiên của nhà Hậu Lê. Uy Mục tàn ác, Tương Dực xa hoa trụy lạc, Chiêu Tông thiếu sáng suốt. Cả 3 vua đều không đủ năng lực và quyền thần nổi lên nắm quyền như một lẽ tất yếu khi đất nước có biến loạn. Nếu không có Mạc Đăng Dung thì những quyền thần khác cũng làm điều tương tự, mà trong đó Trịnh Duy Sản, Trịnh Tuy, Nguyễn Hoằng Dụ, Trần Chân là những đại diện. Nhà Lê dài 350 năm nhưng thực tế chỉ tồn tại trong gần 100 năm đầu.
Sau khi nhà Lê mất về tay nhà Mạc, vấn đề chính thống và ngụy triều nổ ra trong cuộc đấu tranh giữa các tập đoàn và khi thế nam - bắc này chưa chấm dứt hẳn thì thế nam - bắc khác lại hình thành. Cũng như thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc, khi nhà Hán suy, các chư hầu nổi dậy đều lấy danh nghĩa giúp nhà Hán; tại nước Đại Việt khi đó cả Trịnh và Nguyễn đều danh nghĩa chống Mạc để giúp nhà Lê. Các vua Lê vẫn có ngôi, có hiệu, có tên trong sử sách, nhưng chỉ ngồi làm vì. Trên thực tế không chỉ 16 vua thời Lê trung hưng mà ngay từ khi Cung Hoàng được lập, nhà Lê đã chỉ còn hư vị. Trịnh và Nguyễn cùng giương cờ "Phù Lê diệt Mạc", Tây Sơn giương cờ "Phù Lê diệt Trịnh". Giáo sư sử học Văn Tạo trong tạp chí "Nghiên cứu lịch sử" có bài viết "Nhà Mạc và vấn đề ngụy triều", trong đó nêu rõ: Mạc là ngụy công khai, Trịnh và Nguyễn là ngụy giấu mặt. Việc vua Chiêu Thống đã lên ngôi thay vua Cảnh Hưng năm 1786 nhưng Nguyễn Ánh, với danh nghĩa "phò Lê", song vẫn nhất định dùng niên hiệu Cảnh Hưng đến tận năm 1801 đủ cho thấy trong lòng Ánh có nhà Lê hay không. Việc Ánh gửi gạo ra bắc giúp quân Thanh thực ra là muốn thêm người đánh Tây Sơn chứ không thực bụng giúp nhà Lê.
Nhà Lê chống ngoại xâm thành công nhưng kết cục, vua cuối cùng của nhà Lê là Duy Kỳ lại giống những vua Việt Nam vì chống ngoại xâm thất bại mà phải chết ở đất khách quê người như Hậu Lý Nam Đế, Khúc Thừa Mỹ, Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương, Trần Ngỗi, Hàm Nghi...



Chú thích

  1. ▲ Sách Đại Việt thông sử chép là Nguyễn Thị Huyên
  2. ▲ Theo phả hệ họ Nguyễn, Nguyễn Đức Trung - cha của Nguyễn Thị Hằng - là anh của Nguyễn Lỗ - cha của Nguyễn Văn Lang. Ông nội chung của Hằng và Văn Lang là Nguyễn Công Duẩn
  3. ▲ Đại Việt Sử ký Toàn thư chép không thống nhất. Khi Chiêu Tông được lập, ghi là năm đó 14 tuổi (1516), nhưng đoạn sau lại nói ông sinh năm 1506, như vậy lúc đó mới 11 tuổi, hay là sinh năm 1503?
  4. ▲ Vì Chân là con nuôi Duy Sản, người cùng họ với Tuy
  5. ▲ Do là cháu nội Lê Khắc Xương - anh vua Thánh Tông, tức là bác họ của Chiêu Tông
  6. ▲ Con Đăng Dung là Đăng Doanh lấy con gái Trần Chân
  7. ▲ Theo sử ghi, Chiêu Tông chỉ hơn Ninh 8 tuổi
  8. ▲ Theo Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim
  9. 9,0 9,1 Theo Đại Việt sử ký toàn thư
  10. ▲ Theo Khâm định Việt Sử Thông giám Cương mục khi lên ngôi mới đổi tên thành Lê Duy Kỳ
 
Top