Mưa sao băng Perseids rạng sáng 13/8

huynh_ngoc_long

New Member
Mưa sao băng Perseids rạng sáng 13/8 05/08/2008
080718-ns-shootingstars-01.jpg
Vào giữa tháng 8 này chúng ta sẽ được dịp quan sát một sự kiện thiên văn thú vị, đó là mưa sao băng Perseids – một trong những trận mưa sao băng lớn nhất của năm. Trong bài viết này tôi sẽ hướng dẫn các bạn chọn thời điểm tối ưu và cách thức quan sát Perseids năm nay. Nguồn gốc của mưa sao băng Perseids:
-Mưa sao băng Perseids là trận mưa sao băng nổi tiếng vốn đã được người Trung Hoa cổ đại nghi nhận từ năm 36. Chúng ta có thể quan sát được đợt mưa sao băng này từ 17-7 đến 24-8 hằng năm khi đám mây bụi cắt ngang quĩ đạo của Trái Đất. Vào thời gian mưa sao băng diễn ra cực điểm khoảng 12-8 hàng năm, người ta có thể đếm được trung bình 50 sao băng trong 1 giờ (Tuy nhiên theo tính toán năm nay sẽ lên đến 100 sao/giờ). Các thiên thạch nhỏ với vận tốc hơn 60km/s bốc cháy khi bay vào khí quyển của Trái Đất, để lại những vệt sáng dài trên bầu trời đó thật là những hình ảnh đẹp khó quên đối với người quan sát.
-Từ năm 1865 người ta đã biết được nguồn gốc của trân mưa sao băng này, đó chính là đám mây bụi và những mảnh vỡ của sao chổi 109 P/ Swift-Tuttle (S-T) trải dài trên quĩ đạo của nó quanh hệ Mặt Trời.
Sao chổi S-T xuất hiện vào năm 1862 và được đặt tên theo 2 người khám phá ra nó là Lewis Swift và Horace Tuttle. Đây là 1 sao chổi lớn có chu kỳ 120-130 năm. Quĩ đạo của nó khiến các nhà khoa học phải lo lắng vì khả năng đâm vào Trái Đất trong lần gặp gỡ tới vào năm 2126.
Perseids năm nay sẽ thế nào?
Năm nay cực điểm của Perseids theo dự báo của trang IMO (www.imo.net) sẽ rơi vào 11h30m-14h00m UT ngày 12/8, chuyển sang giờ Việt Nam ta sẽ là 18h30m-21h00m cùng ngày. Rất tiếc vào thời điểm này chòm Perseus (Anh Tiên)-tâm điểm (Radiant) của sao băng chưa mọc lên khỏi đường chân trời do đó ta không thể quan sát được đúng vào cực điểm. Thế nhưng hãy yên tâm vì Perseids là một trận lớn nên dù qua giờ cực điểm thì tần suất sao băng vẫn còn rất cao, ta sẽ cố chọn thời điểm quan sát càng gần cực điểm càng tốt. Vào khoảng thời gian này chòm Perseus mọc vào khoảng 0h, nghĩa là theo lý thuyết ta có thể bắt đầu quan sát sao băng từ 0h, nhưng trên thực tế lớp khí quyển dày đặc, mây và sương gần chân trời sẽ cản trở rất nhiều những ánh sao băng. Theo kinh nghiệm ta chỉ nên quan sát khi chòm Perseus đã lên cao cách chân trời 30 độ trở lên (Nếu dang thẳng cánh tay trước mặt, 30 độ tương đương chiều rộng của 3 nắm tay bạn). Vì vậy thời gian quan sát tối ưu sẽ từ lúc 2h sáng (rạng 13/8) trở đi lúc chòm Perseus (Anh Tiên) đã lên cao khoảng 30 độ khỏi chân trời Đông Bắc, và khi đó Mặt Trăng cũng vừa lặn mất. Ngoài ra vào rạng sáng ngày 12 và 14 lân cận cũng hứa hẹn sẽ có rất nhiều sao băng.
Cách xác định chòm Perseus:



Muốn xác định được dễ dàng, bạn nên chờ đến khoảng 3h khi chòm chòm Perseus đã lên cao hơn. Hãy nhìn đúng hướng Đông Bắc, cách chân trời khoảng 20 độ (chiều rộng 2 nắm tay) bạn sẽ dễ dàng thấy được một ngôi sáng màu vàng nổi bật, đó chính là sao Capella của chòm Auriga (Ngự Phu). Bây giờ chếch về phía tay phải lên cao khỏi chân trời khoảng 30 độ có một sao nổi bật khác màu đỏ cam mang tên Aldebaran của chòm Taurus (Kim Ngưu), hãy kiểm tra lại Capella và Aldebaran vừa tìm cách nhau khoảng 3 nắm tay để chắc chắn. Từ 2 sao vừa tìm này bạn hãy chú ý chúng tạo với sao Algol của chòm Perseus 1 tam giác gần cân với đỉnh là Aldebaran (xem hình). Từ sao Algol chếch xuống phía dưới bên trái một chút là sao Mirfak có độ sáng gần tương đương. Hai vì sao chính của chòm Perseus này sẽ giúp bạn lần ra các sao phụ khác xung quanh.

Nếu bạn chưa tìm được chòm Perseus, đừng lo lắng! Quan sát mưa sao băng hoàn toàn không phụ thuộc một vị trí quá cụ thể trên bầu trời mà chỉ cần sự quan sát tổng quát cả vùng trời rộng hướng về nơi có tâm điểm của trận. Hãy quay mặt về đúng hướng Đông Bắc và nhìn cả vùng trời ấy là bạn đã có thể yên tâm chiêm ngưỡng sao băng rồi.

Sơ lược quang cảnh các chòm sao trong đêm sao băng 12 rạng 13:

Lúc 2h bầu trời có vẻ vắng lặng các ánh sao sáng, 2 sao Capella và Aldebaran đang lấp lánh lên cao dần từ vùng trời thấp phía Đông. Nếu hướng Tây lúc này không bị khuất cây cối, nhà cửa bạn có thể bắt gặp sao Mộc màu vàng rất sáng cùng ánh trăng rất sát chân trời đang dần lặn khuất. Vắng đi ánh trăng là một lợi thế cho “đêm sao băng” của chúng ta. Hướng mặt về phía Bắc lúc này bạn sẽ thấy được trọn vẹn gia đình Hoàng Gia gồm các chòm Cassiopeia (Tiên Hậu) với hình chữ M nghiêng đặc trưng, Cepheus (Tiên Vương) gồm 5 sao chính hình cái nhà úp ngược, phía trên cao gần thiên đỉnh bạn sẽ bắt gặp Ô vuông lớn của chòm Pegasus (Phi Mã), kề bên là nàng công chúa Andromeda, con gái rượu của Tiên Vương và Tiên Hậu. Gần phía dưới Andromeda chính là dũng sĩ Perseus (Anh Tiên), người tình của nàng và cũng là tâm điểm chú ý của chúng ta đêm nay. Phía Tây bắc lúc này ta bắt gặp lại bộ 3 chòm Lyra (Thiên Cầm), Cygnus (Thiên Nga), Aquila (Thiên Ưng) – Tam Giác Mùa Hè đang chiếm lĩnh.


Từ 4h sáng trở đi, vùng trời sao lộng lẫy mùa đông bắt đầu hiện rõ phía trời Đông theo sau chòm Perseus. Đó là các chòm Auriga (Ngự Phu) với sao alpha mang tên Capella rất sáng, chòm Taurus (Kim Ngưu) với hình chữ V ngược đặc trưng, giữa Taurus và Perseus có một cụm sao mờ lấp lánh – tinh vấn Pleiades (Thất Nữ). Nằm bên phải Auriga lúc này ta gặp gỡ chòm Orion (Lạp Hộ) quen thuộc mùa đông với 3 sao thắt lưng thẳng hàng không lẫn vào đâu được.
Một số kinh nghiệm cá nhân cho quan sát mưa sao băng:
- Quan trọng nhất là điều kiện thời tiết, trời phải quang mây và có thể thấy rõ các ngôi sao bình thường thì mới có thể thấy được sao băng bạn nhé! Nếu thời điểm hiện tại có nhiều mây, đừng vội thất vọng vì bầu trời mùa mưa rất thất thường. Ánh sáng của trăng hay ánh sáng đèn sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến việc chiêm ngưỡng các sao băng. Ở vùng quê ít bị ô nhiễm ánh sáng bạn có thể thấy được số lượng các sao băng hơn rất nhiều lần nếu quan sát ở thành phố.

- Tính kiên trì cũng không kém quan trọng! Mưa sao băng không có nghĩa là “sao bay như mưa”, ở một trận lớn như Perseids này thì những vệt sáng có thể xuất hiện cách nhau 1 đến vài phút, đôi khi bầu trời sẽ “lặng thinh” một lúc rất lâu nhưng có lúc chúng "xẹt" liên tục 2-3 cái.
- Nên thay đổi vị trí quan sát liên tục cả vùng trời rộng đừng tập trung một chỗ. Đừng hiểu nhầm tâm điểm ở chòm Perseus có nghĩa là sao băng chỉ bay từ đó ra, nó có thể xuất hiện ở những chòm sao khác thậm chí rất xa tâm điểm, nhưng nếu để ý ta sẽ thấy đường kéo dài hướng bay của sao băng có vẻ chụm lại ở chòm Perseus.
- Do từ 3h trở đi vị trí chòm Perseus cùng “vùng trời sao băng” sẽ lên khá cao gần trên chân trời Đông bắc nên việc đứng quan sát sẽ làm cổ bạn rất mỏi, nên tìm một nơi để nằm như ghế bố, võng…sẽ thoải mái hơn rất nhiều và giúp ta kiên trì quan sát.
- Chú ý giữ ấm, tránh sương, thức ăn và thức uống nóng tại chổ sẽ thêm phần thú vị đấy.
Hi vọng những hướng dẫn trong bài sẽ giúp bạn chuẩn bị cho “đêm sao băng” của bạn tốt hơn. Nếu thời tiết thực sự tốt và quang mây, một cảnh tượng rất đẹp với những vệt sao băng bay ngang bầu trời trên nền là vùng sao có thể nói sáng và đẹp nhất đang chờ đón bạn. Sao không tạo cho mình một “buổi tiệc sao băng” nho nhỏ bên người thân, hay “người ấy” của bạn nhỉ, sẽ rất lãng mạn và đáng nhớ đấy.

Chúc bạn một đêm đẹp trời!
Đình Đôn- Orion
Hãy cùng thảo luận các vấn đề xung quanh mưa sao băng Perseids tại diễn đàn




(Nguồn: www.vietastro.org )
 

huynh_ngoc_long

New Member
Ðề: Mưa sao băng Perseids rạng sáng 13/8

Hihi...đợt này đáng để wan sát..Mật độ sao băng nhiều..dễ thấy và dễ ước hơn..kkaa...:pepsi::em148:
 

huynh_ngoc_long

New Member
Ðề: Mưa sao băng Perseids rạng sáng 13/8

Mưa sao băng Perseids đạt đỉnh điểm vào tuần này
Chỉ vài ngày nữa, những người yêu thiên văn lại có dịp ngắm nhìn trận mưa sao băng Perseid nổi tiếng.
Mưa sao băng Perseid nói chung vẫn được đánh giá là trận hay nhất trong năm. Năm nay, những nguời yêu thích trận mưa sao băng Perseid sẽ phải thức muộn bởi vì vào thời gian đó, quá nửa đêm mặt trăng mới lặn, khoảng 1h30 theo giờ địa phương. Tuy nhiên trước đó, chúng ta cũng có thể xem được một số vệt sao băng sáng, nhưng phải sau khi trăng lặn đi, mật độ mưa Perseid mới thực sự đáng kể.
Mưa sao băng Perseid được đặc trưng bởi tốc độ nhanh, sáng, nhiều vệt thậm chí còn để lại một vệt khói đằng sau trong vài giây.
Cưc điểm của cơn mưa sao băng Perseid, hay là thời gian mật độ sao băng dầy đặc nhất, xẩy ra vào 11:00 GMT ngày 12/8, như vậy ở Việt Nam chúng ta không được xem đúng thời điểm này, nhưng chậm vài ba tiếng cũng không làm ảnh hưởng quá nhiều. Nếu đêm 12/8 bị mây mù, chúng ta cũng không quá lo lắng, bởi vì đó không phải là ngày duy nhất mà bạn có thể theo dõi các vệt sao băng Perseid. Năm nay (2008), trận mưa sao băng Perseid sẽ kéo dài từ khoảng ngày 17/7 tới ngày 24/8. Tất nhiên càng xa cực điểm, mật độ sao băng càng giảm dần. Để nhìn được nhiều sao băng (chứ không phải một hai vệt một giờ) chúng ta cần một bầu trời trong và tối. Tối ở đây nghĩa là chúng ta phải ở một vị trí xa ánh đèn thành phố lớn (hơn 10 km là quá tốt) .
Bạn cũng đừng dùng đến ống kính thiên văn hay ống nhòm nhé, để xem sao băng, đôi mắt của bạn là cực kỳ phù hợp bởi vì khi đó bạn sẽ có thị trường (góc nhìn) rộng nhất
Vào đêm 12/8, ta có thể chuẩn bị một ghế có thể ngả lưng và một số thứ khác nếu bạn muốn bắt đầu một cuộc ngắm sao băng..
Vào nửa đêm, trăng vẫn còn ngự trị, nhưng đã ngả về phía tây. Ta nhìn về phía đông, khoảng lưng chừng trời. Sau khi mặt trăng lặn hẳn, chỉnh lại ghế để có thể nhìn thẳng lên đỉnh đầu, tuy nhiên cũng nên đảo mắt rộng ra xung quanh bởi vì điều đó cũng không ảnh huởng tới ai mà đôi khi lại vớ được những vệt sao lạc đàn.
Ngoài ghế xich đu, chúng ta cũng phải nhớ mang theo áo khoác và một chút đồ nhấm nháp, nhưng chớ có rượu (trừ phi chúng ta tranh thủ offline) bởi vì rượu làm cho mắt chúng ta kém tinh hơn, nhất là về đêm, và nó làm chúng ta buồn ngủ nữa.
Bạn có thể nhìn được bao nhiêu vệt sao băng? Nếu bầu trời trong và trăng đã lặn, chúng ta có thể đếm đươc từ 60 tới 100 vệt sao Perseid trong một giờ.
Một sao băng Perseids (Ảnh NASA)​


Vậy thì các trận mưa sao băng hình thành như thế nào?. Sao băng bắt nguồn từ những hạt đất đá hoặc kim loại bay trong những quỹ đạo xung quanh Mặt trời. Khi còn bay trong vũ trụ, các hạt này được gọi là các thiên thạch (meteoroid). Những hạt thiên thạch bay vào lớp khí quyển dầy đặc của Trái đất và bốc cháy thì được gọi là sao băng (meteor), sao sa hay sao đổi ngôi. Nếu các hạt này đủ lớn để có thể sống sót mà rơi hẳn xuống mặt đất thì lúc đó chúng được gọi là đá thiên thạch (meteorite) hay đơn giản là thiên thạch. Mưa sao băng Perseid được đặt tên như vậy là bởi vì nếu bạn nối các vệt sao băng ngược theo chiều chyển động, chúng sẽ gặp nhau ở chòm sao Perseus (Anh Tiên).
Hầu hết các cơn mưa sao băng là do các sao chổi gây ra. Khi một sao chổi bay xung quanh Mặt trời (thường rất lệch tâm), nó vung ra một luồng bụi các thiên thạch nhỏ li ti và các hạt này cũng bay theo quỹ đạo của sao chổi, nhưng có độ phân tán hơn nhiều. Khi Trái đất “va quệt” vào các đám bụi thiên thạch này, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng mưa sao băng.
Trận mưa sao băng Perseid là kết quả của những hạt bụi thiên thạch sinh ra từ sao chổi 109P Swift-Turtle. Hai nhà thiên văn học Lewis Swift và Horrace Turtle đã độc lập phát hiện ra sao chổi 109P Swift-Turtle từ năm 1862.
Sao chổi 109P Swift Turtle đã quay trở lại vào năm 1992. Khi sao chổi này thực hiện các cú bay tạt gần Mặt trời, nó đã liên tục bổ sung cho các đám bụi thiên thạch. Các hạt sao băng Perseid có tốc độ khá cao, một số hạt có thể đạt tới 200000km/h và rất nhiều hạt thậm chí để lại cả một vệt khói phía sau như đã đề cập ở trên. Sao băng Perseid cũng có đặc điểm là có mầu sáng trắng hoặc có ánh xanh.
Hy vọng điều kiện thời tiết ở nơi các bạn chuẩn bị theo dõi mưa sao băng Perseid quang mây để chúng ta có thể xem được nhiều vệt sao băng và sẽ gửi gắm được nhiều điều ước qua các sứ giả của sao chổi 109P Swift-Turtle này.

AT

Hướng dẫn quan sát Mưa Sao Băng Perseids

( nguồn : www.vietastro.org )
 

phuchau265

Member
Ðề: Mưa sao băng Perseids rạng sáng 13/8

Ac hay đây. Công nhận bạn Long yêu thiên văn vụ trụ :em88::em88:
Dù ko đọc vì dài quá nhưng chừng nào có sao Băng vậy mấy giờ. Rạng sáng chắc là khoản 1-4g quá. Giờ đó ai chứ dân Marie là khò hết rồi. Vào năm học rồi :em88::em88::em88::em88:
 

huynh_ngoc_long

New Member
Ðề: Mưa sao băng Perseids rạng sáng 13/8

Hihi...Hum hôm này thì hum khác....^^.. Mình cũng ngũ dzậy..để 1 nhóm wan sát òi lấy hình về...^^
 
Top