Đôi nét về Kiếm Nhật

zabonchen

Moderator
Lịch sử


Một chút lịch sử cứ như định nghĩa của người Nhật thì vũ khí mà chúng ta gọi là kiếm Nhật được gọi dưới cái tên katana tức là đao theo chữ hán nhưng thường được hiểu là trường kiếm (long sword). Ngoài katana, người Nhật cũng còn tachi cũng là một loại kiếm dài, wakizashi là một loại đoản kiếm, aikuchi và tanto là những loại kiếm ngắn giống như dao găm.



Người Nhật đã có một truyền thống rèn kiếm lâu đời. kiếm, ngọc và gương là ba bảo vật truyền quốc, được coi như biểu chương của hoàng gia (imperial regalia), để tại đền ở ISE gần hoàng cung cũ ở cựu đô nara cũng là những linh vật trong thần đạo (shinto).

Ngay từ thời đại kofun và nara (300-794) đầu công nguyên, nước Nhật đã sử dụng kiếm, hồi đó lưỡi kiếm thẳng và dài chừng 80 cm theo mẫu mực của Trung Hoa và Triều Tiên. đến thế kỷ thứ 8, đầu thế kỷ thứ 9 người Nhật bắt đầu đúc kiếm có hình cong ở gần cán rồi dần dần cong hoàn toàn.

Thời đại Heian sau đó (794-1185), nước Nhật bước vào một thời kỳ văn hoá khá rực rỡ. Xã hội nhiều giai cấp trong đó giới hiệp sĩ (samurai), giới tăng nhân (warrior monks) trở thành những lực lượng quan trọng được triều đình thuê mướn để bảo vệ lãnh thổ. Thanh kiếm không còn là một võ khí mà đã trở thành một tác phẩm, vừa thanh tú vừa mỹ thuật.

Người ta cũng bắt đầu khắc tên và nơi chế tạo trên chuôi kiếm, hiệp sĩ cũng mang theo những thanh kiếm ngắn hơn để thay đổi. Ngoài kiếm nhiều loại chiến cụ khác cũng phát triển điển hình là cung tên, giáp trụ và nghệ thuật binh bị cũng đạt một tầm vóc mới.

Người Nhật tìm ra cách đúc kiếm nhiều lớp, tạo được những vân thớ (jihada) khác lạ được gọi dưới những tên như itame, masame, mokume, ayasugi. Những vân đó có khi giống như mắt gỗ nhưng cũng có khi uốn lượn như làn sóng. Thanh kiếm không còn là một vũ khí mà đã thành một tác phẩm mỹ thuật.

Các thợ rèn thuộc tỉnh soshu và tìm ra được cách pha trộn thép mềm với thép cứng để làm lưỡi kiếm, vẫn sắc bén mà lại ít bị mẻ. Họ cũng tiêu chuẩn hoá chiều dài và cải thiện mũi kiếm để khi kiếm bị gãy vẫn có thể mài và dùng tiếp. Trước kia kiếm Nhật chỉ uốn cong nơi gần cán nay từ từ cong đều và cũng thuôn dần ra tới tận mũi. Người Nhật cũng chế tạo loại giáp trụ nhẹ hơn để bộ binh dễ di động, dễ phân tán đồng thời nghiên cứu cách dùng kiếm đánh sáp lá cà thay vì dùng cung bắn từ xa.

Trước khi rèn một thanh kiếm, bao giờ kiếm sư cũng trai giới, cầu xin thần linh phù hộ và sau đó mặc lễ phục để làm việc. Người ta nói rằng kiếm sư rèn kiếm không còn là một công việc mà là một nghi lễ, thân tâm hợp nhất và tập trung toàn bộ tinh thần từ khi bắt đầu cho tới khi hoàn tất.

Thời kỳ nước Nhật chia thành hai gọi là nam bắc triều (1333-1393). Thời kỳ này đánh dấu cao điểm của thuật đúc kiếm. Lưỡi kiếm bây giờ dài đến 1 mét gọi là tachi và kiếm đúc cho đền đài có khi còn dài hơn. Kiếm dài có lợi thế cho người đi bộ và chiến đấu trong đêm tối nên thường đeo sau lưng và rút ngược lên qua vai.



Khi ra ngoài người ta đeo trường kiếm (katana) và đoản kiếm (wakizashi) nhưng khi ở trong nhà thì chỉ đeo đoản kiếm và được tháo ra đặt ngay cạnh giường khi đi ngủ. Đối với người võ sĩ, thanh kiếm là vật bất ly thân, không rời xa trong bất cứ trường hợp nào.

Người Âu châu đã vô cùng kinh ngạc khi thấy kiếm Nhật hơn hẳn các lưỡi kiếm của người Tây Ban Nha nổi tiếng ở Âu Châu. Bộ đại từ điển Britannica của Anh (in lần thứ 6) , quyển 9 trang 37 viết là “ kiếm Nhật có thể chặt đứt một chiếc đinh lớn mà lưỡi kiếm không hề hấn gì”.

Rèn kiếm (kitaeru)

Kitaeru (forge; temper) được coi như một trong những truyền thống cần phải bảo tồn cùng với nhiều bộ môn nghệ thuật khác để duy trì tinh thần đặc thù của người Nhật. Lẽ dĩ nhiên rèn không phải nói về nghề thợ rèn một cách tổng quát mà là kỹ thuật rèn kiếm, một truyền thống lâu đời được coi trọng, vì thanh kiếm không phải chỉ là một món khí giới mà còn tượng trưng cho tinh thần cao thượng của võ sĩ đạo.



Thanh kiếm của người Nhật không phải chỉ là một lưỡi dao dài dùng làm vũ khí mà mang theo rất nhiều ý nghĩa. Trong quá trình chế tạo, người ta không những phải thử để xem nó có đủ sắc để xuyên qua nhiều lớp áo giáp bằng sắt mà có khi còn thí nghiệm ngay trên thân xác con người để coi có “ngọt” hay không?

Người Trung Hoa cũng như người Việt Nam cũng chú trọng đến kiếm nhưng quá lắm chúng ta chỉ coi như một kỹ năng cần điêu luyện, trái lại người Nhật lại nâng thanh kiếm và cách sử dụng lên hàng “đạo” – kiếm đạo, kendo – và thanh kiếm gắn liền với sinh mạng và nhân cách của người hiệp sĩ (samurai).



Trong khi kiếm Âu Châu chỉ là một lưỡi thép duy nhất, kiếm Nhật bao gồm lá thép, sắt non, và thép già, mỗi loại có hàm lượng carbon khác nhau. Lõi của thanh kiếm (shingane) được rèn bằng cách pha trộn giữa sắt thô với thép lá. Sau đó mới là vỏ bao bên ngoài (hadagane) cái lõi đó cũng bằng kỹ thuật trên nhưng dùng sắt non và thép lá. vỏ bao có thể cần dát ra rồi gập lại 15 lần nhưng nếu nhiều hơn nữa có thể làm thép trở nên dòn và không đều. Lưỡi kiếm sau đó được chêm vào giữa những lớp vỏ bao, rèn cho thật liền lạc khít khao. Lớp vỏ mềm giúp cho cái lõi cứng ở bên trong, khiến cho lưỡi kiếm chịu được va chạm mạnh, dẻo dai hơn kiếm đúc theo kiểu Âu tây.

Người Nhật cũng dùng phương pháp bao một lớp vỏ mềm bên ngoài để tạo nên những làn sóng trang điểm cho lưỡi kiếm. Khi ruột kiếm đã chèn vào giữa và hình dạng đã hoàn thành, một loại hợp chất đặc biệt gồm tro rơm và bùn đỏ được trét lên trên mặt lưỡi kiếm rồi để cho khô. Sau đó người ta dùng một thanh tre để khắc lên lớp bùn những hoa văn rồi lại để vào trong lò nung tiếp, lấy ra khắc theo mẫu lên lưỡi kiếm để đến khi chà láng những hình vẽ đó sẽ hiện ra. Trong giai đoạn này lưỡi kiếm được bao bằng đất và tro kia phải nóng đến mức có “màu của mặt trăng tháng 2 hay tháng 8” (the colour of the moon in february or august). Lớp bùn đó chỗ dày chỗ mỏng, thường ở lưỡi kiếm mỏng nhất, các nơi khác dày hơn để khi nung lưỡi kiếm sẽ cứng mềm khác nhau tuỳ theo từng khu vực. Lưỡi thép, phần cứng nhất của thanh kiếm mà người ta gọi là hamon có những hạt (grain) khác nhau gọi là nie và nioi. Nie (boiling) tượng trưng cho tinh thần hùng dũng, cứng cỏi, nioi (visible fragrance) tượng trưng cho sự cao thượng, quí phái. Những hạt này có được do sự gập đi gập lại và cũng là một thứ dấu hiệu của mỗi trường vì mỗi phương pháp có những vân riêng. Nioi mắt thường không trông thấy, chỉ gợn lên một làn sương mỏng như giải ngân hà một đêm sao. Hạt nie thì to hơn, trông lấm tấm như móc buổi sáng hay một chùm tinh tú. Những ba văn (hamon) đó được đặt tên, hoặc mây, sóng biển, dãy núi, hoa ... cũng giống như người trung hoa đặt tên cho vân trên bảo kiếm của họ. Người thợ không phải chỉ đúc một thanh kiếm tốt mà còn làm sao cho mỹ thuật, đó mới thực là vấn đề.

Nét cong của thanh kiếm nhật không phải chỉ do kỹ thuật rèn hay đập mà còn là một biểu trưng văn hoá xuất hiện trên nhiều công trình truyền thống khác, từ mái cong trên đền đài, chùa chiền, cung điện, kể cả thư pháp. Người Nhật vẫn cho rằng nếu đúc một thanh kiếm thẳng băng thì không những thô kệch mà còn quá thực dụng, không nói lên tính nghệ thuật của người võ sĩ. Chính vì thế, họ luôn luôn tạo những đường cong, uốn lên lượn xuống để biến một vũ khí chiến đấu thành một tác phẩm. Tiến trình rèn thép, các loại chất liệu trong mỗi giai đoạn đến nay vẫn còn là những bí mật nghề nghiệp không truyền ra ngoài và cũng là thước đo sự tài hoa, khéo léo cũng như “tay nghề” của các bậc sư.

Mài kiếm

Việc mài kiếm của một nghĩa sĩ khác hẳn công việc mài lưỡi kiếm sau khi một danh thủ đã rèn xong. Rèn kiếm mới chỉ là một chặng đường, tuy quan trọng nhưng không phải là hoàn bị mà còn nhiều công việc khác cũng cam go không kém.

Công việc hoàn chỉnh thanh kiếm chỉ là mài cho sắc (sharpening) mà phải gọi là “chà láng” hay đánh bóng (polishing). Đánh bóng một thanh kiếm phải qua 13 giai đoạn, dùng 13 loại đá mài khác nhau và 13 động tác khác nhau và mất trung bình 120 giờ. Để mài một lưỡi kiếm, kiếm sư dùng sáu cục đá mài (whetstones) khác nhau, từ loại nhám xuống dần loại mịn hơn và sau cùng để đánh bóng. Trước khi mài, phải nghiên cứu kỹ càng “thớ” (texture) và “mẫu” (pattern) của thanh kiếm, không phải cùng một lúc mà chỉ từng khoảng 3 cm một. Việc giữ sao cho tay phải và tay trái gần như cân bằng tuyệt đối (near-perfect balance) là một công tác sinh tử vì nếu hai tay chỉ lệch đi một khoảnh khắc thì có thể hỏng luôn cả lưỡi kiếm.

Sau khi mài xong, kiếm sư kẹp hai hòn đá mài mỏng dính trên đầu ngón tay và vuốt theo lưỡi kiếm để đánh bóng. Ông cầm ngang lưỡi kiếm để cho ánh nắng soi lên từng mili mét để kiểm soát công trình của mình lần cuối cùng. Không có hai thanh kiếm nào giống hệt nhau, mỗi thanh kiếm có hình dáng khác nhau và có những đặc tính khác nhau. Mài kiếm chính là làm sao cho thanh kiếm thể hiện được tối ưu cái “tinh thần” của nó, để hiển lộ cái “tận mỹ” của nó, để thoát ra cái “huy hoàng” của lưỡi thép đã hoàn thành. Kiếm mài đúng cách mới có thể hiển hiện được hết tài năng của người rèn kiếm.

Bao kiếm



Một lưỡi kiếm dù quí đến đâu nếu không được lắp vào một cán kiếm thích hợp và để trong một bao kiếm đúng cách thì vẫn không thể nào gọi là hoàn toàn. Muốn làm một bao kiếm, người kiếm sư phải làm hai mảnh vừa khít theo đường cong của lưỡi kiếm rồi dán lại với nhau. Chất keo dán là một loại hồ nấu bằng gạo rồi nghiền cho nhuyễn bằng đũa tre. Người ta không dùng các loại super-glue vì e ngại sau này phải tách hai thanh gỗ ra trong trường hợp lưỡi kiếm bị sét và chỉ có hồ làm bằng gạo mới khỏi làm hư thanh gỗ. Bí mật của cách làm bao kiếm là sao cho có cảm tưởng là bao và lưỡi khít khao từ đầu đến cuối nhưng thực ra chỉ tiếp xúc với nhau ở gần cán kiếm mà thôi và lưỡi kiếm không nơi nào quá chặt vì nếu không, độ ẩm của gỗ sẽ làm cho kiếm bị rỉ.

Tuy chỉ là một công nghệ giản dị như thế, việc làm bao kiếm đòi hỏi nghệ nhân dùng 15 loại bào (plane) khác nhau, to có, nhỏ có mỗi thứ một việc.
Tsuba tsuba (sword guard) là miếng chặn tay cầm, phân cán kiếm và lưỡi kiếm ra làm 2 phần khác nhau, người Trung Hoa gọi là kiếm cách. Tsuba cũng được coi là một nghệ phẩm và hiện nay cũng có nhiều người sưu tầm, nhiều miếng có giá cả rất cao. Tsuba được khoét ở giữa để tra lưỡi kiếm và để chặn cho kiếm của địch khỏi lướt vào tay mình.





Tuy nhiên, người ta cũng trang trí bằng nhiều hình thức khác, cây cỏ, hoa lá, thú vật ... có ý nghĩa hay mang một nguyện vọng để được may mắn. Nguyên thuỷ, kiếm cách do thợ rèn kiếm hay thợ làm áo giáp sản xuất nhưng từ thế kỷ 16 trở về sau thì do những nghệ nhân thực hiện như một tác phẩm riêng biệt. Tsuba có thể bằng sắt thuần tuý hay nạm vàng, bạc, đồng ... thử kiêm (tameshi-giri) để đối phó với sự sắc bén của thanh kiếm họ chế tạo được, người nhật cũng đưa vấn đề che chở cho khỏi bị kiếm chém đứt thành một nghệ thuật khác.

Đó là việc chế tạo một bộ áo giáp chắc chắn – bao gồm 12 món khác nhau, mặc vào rất công phu để bảo vệ tính mạng của võ sĩ. Tuy nhiên, đối với một thanh bảo kiếm trong tay một cao thủ về kiếm đạo thì bộ áo giáp kia không đủ hiệu quả. Chỉ một nhát kiếm, cả người lẫn giáp có thể xẻ làm hai. Những thanh bảo kiếm thực sự đều là của gia bảo truyền từ đời nọ sang đời kia, tham dự trong hết trận đánh này đến trận đánh khác. Những thanh kiếm đó đã được thử bằng chính sinh mạng con người.

Tuy nhiên, trước khi được dùng để chiến đấu, kiếm Nhật sau khi hoàn tất phải được thử, thường là với một người bù nhìn làm bằng rơm. Nếu thanh kiếm có thể chặt đứt được một bó rơm, người ta sẽ thử tiếp trên thân người, thường là dùng một xác chết. Xác người được treo lên theo nhiều kiểu khác nhau để thử kiếm theo đủ mọi hướng, đủ mọi kiểu, mọi đòn. Cũng có khi thanh kiếm được thử ngay trên những tử tội. Có 16 chỗ trên thân người dùng để thí nghiệm, khó cắt nhất là chém ngang hông sao cho đứt cả hai xương đùi, dễ nhất là chém đứt cổ tay.

Ngày hôm nay, những võ sư vẫn huấn luyện môn đồ phương pháp dùng kiếm để chặt đứt những bó rơm ướt, lõi bằng cọc tre. Mỗi ngày người võ sĩ phải tập hàng trăm lần cho thật nhuần nhuyễn. Kiếm thử xong sẽ được các chuyên giá đánh giá và xếp hạng.

Kết luận việc rèn một thanh kiếm đã được nâng lên thành một nghi lễ mang tính chất huyền bí. Người thợ rèn phải trai giới trong nhiều ngày, qua những thể thức thanh tẩy (ritual purification) và khi làm việc họ mặt một bộ đồ trắng như một thiền sư, đạo sĩ. Ngay từ thế kỷ 13, kiếm nhật đã nổi tiếng trên thế giới mà không nơi nào sánh kịp. Người Trung Hoa cũng nói đến bảo kiếm nhưng phần lớn chỉ là truyền thuyết và huyền thoại, chỉ nghe mà không thấy. Trái lại kiếm Nhật có thật và nhiều người đã bỏ một khoản tiền lớn để đặt hay mua. Theo những chuyên gia về luyện kim, mãi đến thế kỷ 19, người Âu châu mới đủ trình độ để tạo được những hợp kim tốt như thép của Nhật trước đó 600 năm và cũng phần lớn là vì học hỏi được phương pháp của xứ phù tang. Kiếm Nhật cũng nói lên một đặc tính riêng của dân tộc này, làm việc gì cũng muốn đến chỗ tận thiện, tận mỹ.

:em65: :em65: :em65: chà đọc bài nì mới thấy kiếm Nhật chất lượng thật hơn cả kiếm của Pháp với TBN lun :em65: :em65: :em65:
 
Ðề: Đôi nét về Kiếm Nhật

sorry ! mình đọc mỏi cả mắt mà cũng chưa hết .Mình chỉ nói 1 câu mình người Việt Nam vậy mỉnh sài kiếm gì sao ko post ???
 
Top