Vui buồn làm việc nhóm

tiểu li

New Member
Trong giảng đường đại học, làm việc nhóm đã trở nên quen thuộc và gần như bắt buộc với các bạn sinh viên.
Và có nhiều chuyện vui buồn xung quanh vấn đề này.
nhom.jpga.jpg
Muốn thành chỉ huy
Đó là trường hợp của bạn M.T, sinh viên năm hai trường N, Thủ Đức. Thầy giao cho nhóm đề tài thuyết trình trong một tuần. Nghĩ rằng mình năng động, thuyết trình giỏi...nên T xung phong làm trưởng nhóm và đề ra công việc cho các bạn, thậm chí xung phong thuyết trình và làm cả phần powerpoint (phần trình chiếu slide trên máy tính). Thế là các bạn khác chỉ được phân công những chuyện nhỏ, lẻ tẻ. Nếu chuyện chỉ có vậy thì cũng tạm chấp nhận với lí do là T nhiệt tình, giỏi giang. Nhưng đến lúc họp cho điểm các thành viên thì T lại tỏ ý rằng các bạn khác làm việc không nhiệt tình và đòi thêm, bớt điểm.

  • Năng nổ, nhiệt tình là đức tính quý nhưng xem thường khả năng của người khác, cho mình là giỏi rồi ôm hết mọi thứ là không nên tí nào. Điều này vô tình làm cho người xung quanh đánh giá thấp bạn. Hôm đó, các bạn của T đã phản ứng khá mạnh, và dĩ nhiên sau đó chắc T phải kiếm những bạn khác để làm những đề tài tiếp theo vì cái tính thích làm "nguyên soái" của mình.
Làm cho có làm
Vì lười, không có tinh thần trách nhiệm nên khá nhiều bạn khi làm việc nhóm chỉ hoàn thành cho có công việc của mình, không hề tìm tòi suy nghĩ, và nghĩ rằng mình không làm cũng có người khác làm dùm. T.V., nổi tiếng là cô nàng hay viện cớ, cứ mỗi lần bạn bè giao công việc thì lại nói dối rằng bận đi vè nhà, bận đi học Anh văn, máy tính hư, không tìm được tài liệu...Bây giờ, V phải đối mặt với thực tế là xin vào nhóm nào đó để làm chung rất khó khăn, vì ai cũng "cạch" hết rồi.

  • Kết quả chung của nhóm cũng quyết định kết quả học tập của mỗi thành viên. Tại sao người khác làm chăm chỉ, nỗ lực hết mình thì ta lại lười biếng không chịu hợp sức, đến khi nhận được con điểm tốt ta có xứng đáng không? Hết mình vì tập thể sẽ mang lại cho ta không chỉ là điểm tốt, mà là những người bạn tốt, rèn cho ta đức tính trách nhiệm, tạo niềm tin đối với mọi người.
Nhảy vô nửa chừng để hưởng lợi
Đó là trường hợp những bạn cứ ở giữa đường, không vào một nhóm nào cụ thể, đợi đến khi các bạn của một nhóm nào đó làm được cái sườn đề tài rồi, thấy hay, hấp dẫn bèn xin vô nhóm với lí do là không có nhóm, nghỉ học nên chưa tìm được nhóm...Sau đó, chỉ cần bỏ ít công sức là có được cột điểm giữa kì ngon lành. N.L lớp T. là một ví dụ. Khi nhóm của bạn H. đã vẽ gần xong cái sơ đồ tư duy môn Logic thì bạn "nhảy" vào với lí do chưa kịp làm nhóm với ai. Nể tình bạn bè, nhóm của H. đã ghi tên L. vô để L. tự nhiên nhận con điểm 9 đỏ chót!

  • Những kẻ cơ hội như H., cuối cùng cũng sẽ phải trả giá, vì đâu có ai "há miệng chờ sung" mãi được. Huống gì sau này khi đi làm ngoài xã hội, tính chất công việc sẽ không giống như làm đề tài trong giảng đường, những hậu quả từ tính xấu trên chắc chắn sẽ khiến những người như L. phải hối hận.
Chỉ có mình là đúng
Trong các buổi thảo luận, làm việc nhóm, tất nhiên mọi người sẽ nêu lên ý kiến của mình để tìm ra đề tài, cách làm tối ưu. Nhiều bạn đã khăng khăng giữ ý kiến, thậm chí còn áp đặt ý muốn chủ quan của mình lên người khác. Y.T., một cô bạn thông minh, sáng tạo, đã có nhiều đóng góp tích cực cho các buổi làm việc nhóm trước đây. Lần này, ý kiến của T. về đề tài giữa kì môn Anh văn bị các bạn khác phản đối vì không thiết thực. T. tỏ ra giận dỗi và nhất quyết cho rằng phải làm theo đề tài của T. Kết quả, giảng viên đã không đánh giá cao đề tài đó, trong khi đề tài mà bạn S. chung nhóm T. đưa ra đã được một nhóm khác làm và giảng viên cho điểm rất tốt.

  • Cần phải đứng trên quan điểm đúng đắn khi trình bày ý kiến của bản thân. Việc bảo thủ, giữ mãi ý kiến một chiều khiến bạn trở nên cứng nhắc, làm việc không hiệu quả và khiến người khác bực bội. Cần phải thoáng và cới mở tiếp thu hơn nữa khi làm việc nhóm, bạn nhé.
Bạn thấy đấy, làm việc nhóm là một trong số những kĩ năng mềm rất cần thiết cho bạn trẻ. Học cách thích ứng với tập thể để hoàn thành công việc của mình và có kết quả như ý là chứng tỏ sự trưởng thành của bạn đấy. Nếu cần, bạn có thể tham nha những lớp học kĩ năng, giá rất mềm (khoảng từ 50.000 đồng/kĩ năng), được giảng dạy trong các trường đại học và trung tâm khác.
Chúc bạn thành công!
Nguyễn Hoàng Yến Trinh
(Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn TP.HCM)
 
Top