Dân Hà Nội khinh tiền và người có tiền thế nào?

boymc

Administrator
Bác Lê Hoàng đang khóc giùm cho 1 bộ phận dân Hà Nội. ~^o^~

Tiền là nguyên nhân của nhiều tệ nạn đến nỗi cơ quan vũ trụ Mỹ - Nasa đã từng tiết lộ: khi phi hành gia lần đầu tiên trên trái đất đặt chân lên mặt trăng, nhìn cảnh vật ông ấy đã thốt lên “ Ôi, yên bình quá, ở đây không có tiền”.

Do vậy, tỏ ra khinh tiền hay nói cách khác khinh những kẻ có tiền luôn luôn là một nhiệm vụ cao quý, cấp bách đặt ra một cách hối thúc cho toàn thể loài người ở mọi tầng lớp, mọi địa phương, mọi quốc gia, và Hà Nội, tuyệt vời thay Hà Nội chính là một trong số nơi ít ỏi dẫn đầu công việc đó.

Nếu bạn đến Hà Nội với một trái tim nhiệt tình, cháy bỏng, một nụ cười trong sáng và một cử chỉ tao nhã bạn chắc chắn sẽ được đón tiếp nồng hậu. Hà Nội sẽ nắm tay bạn, bay bổng cùng bạn hoặc ôm bạn vào lòng, vừa ôm vừa siết. Nhưng nếu bạn liều mạng bước vào mảnh đất Ngàn năm văn vật ấy với một túi tiền, cam đoan bạn sẽ bị nghi ngờ, bị lạnh nhạt, thậm chí bị cau có và ghét bỏ.

Cứ thử xách tiền vào một quán ăn thủ đô mà xem, dù cổ bạn có đeo dây chuyền vàng to như sợi xích hoặc tay bạn có đeo nhẫn kim cương lớn như quả bưởi thì bạn cứ xếp hàng, cứ ngồi chờ. Đôi lúc chờ tới “ toạc cả mồm” mà vẫn phải im lặng, đừng có đòi hỏi thứ này thứ khác lôi thôi.
20120716103331_hoang.jpg
Lê Hoàng tám về chuyện tiền


Có thể nói không ngoa, sự "trọng nghĩa khinh tiền" của Hà Nội thấm vào trong từng tấc đất, nhưng đặc biệt nổi bật và sâu sắc ở những nơi mang tính dịch vụ. Vào các nơi đấy mà bạn cậy quen biết ? Được! Cậy đẹp trai hay đẹp gái? Cũng được! Cậy học thức? Nhiều khả năng được luôn! Nhưng cậy tiền là hỏng bét.

Truyền thuyết kể rằng, có một gã nhà giàu suốt đời nuôi gà, nuôi vịt dưới quê; sau đó bán được một bọc tiền to vác lên Hà Nội khệ nệ. Bước xuống bến xe, ngay lập tức lão được dân xe ôm hất hàm hỏi (vừa hất hàm vừa ngồi trên yên): "Ê, đi không anh già?"

Chả hiểu nhiễm đâu ra thói tự ái tiểu tư sản, lão nhà giàu không đi. Lê bước vào một hàng cơm nhỏ vừa ngồi xuống thì bị bà chủ hàng the thé: "Ăn gì? Nói nhanh, không ăn thì biến."

Đói quá nên gã phải ăn. Ngồi xuống chiếc ghế chung quanh la liệt những mẩu giấy chùi mồm như một đàn bươm bướm xanh đỏ dưới đất, nhai được ba miếng thì nước mắm hết, gã mon men hỏi xin thêm, tức thì bà chủ quán gào lên “sang kia mà lấy, vẽ chuyện”.

Nhân đây khi bước vô Hà Nội, mặc dù bạn chưa từng bao giờ là họa sĩ, cả một đời chưa cầm tới bút lông, bạn cũng có thể trở thành kẻ “vẽ chuyện”. Đó là danh từ bạn được phong tặng khi bạn đòi hỏi người khác, và hi vọng người khác phải phục vụ mình sau khi nộp tiền.

Không ai sinh ra để làm nô lệ cho ai, đặc biệt là những công việc nô lệ vặt vãnh như mang nước, như bưng bê, như xếp dọn… Một số dân Hà Nội hôm nay hiểu rõ điều này. Đừng nhân danh cái gì bắt họ làm những chuyện ấy, nhất là đừng nhân danh tiền bạc khi sử dụng dịch vụ. Người Hà Nội ưu tiên cho những nhân viên khoáng đạt, hào sảng, khỏe khắn, phong trần. Những nhân viên kiểu đó nói to, cười lớn, thân mật vỗ vai khách, phát vào lưng khách hoặc nắm tay khách lôi đi một cách tự nhiên, đột ngột đầy ngẫu hứng và táo bạo.

20120716103331_hoang1.jpg



Hà Nội không xếp người theo địa vị, mọi lao động đều cao quý và hơn nữa cao quý như nhau. Vào cơ quan phải lễ phép với bảo vệ, đi ô tô phải năn nỉ tài xế là những cử chỉ được dân Hà Nội khuyên dùng.

Những đứa có tiền và tin tưởng một cách mơ hồ tiền sẽ mang lại hạnh phúc, chỉ ở Hà Nội vài bữa là được cải tạo toàn diện. Có tiền cũng cứ ngồi vỉa hè mà ăn, cứ cốc mẻ mà uống, lôi thôi thì "biến”. Tất nhiên những kẻ như thế, phần lớn chả phải Tôn Ngộ Không, chẳng biết biến đi đâu và biến vào đâu nên cứ phải cắn răng đứng đấy.

Một số cá nhân ngu ngốc từng phát biểu “Tiền là Tiên là Phật, là sức bật của tuổi trẻ…”. Chỉ nói vài câu đã biết ngay những kẻ đó chưa tới Hà Nội. Trên mảnh đất thần thánh này, tiền chả là cái gì hết, điều đáng quan tâm là thái độ kiên nhẫn, khả năng chịu đựng, ít giục giã, sẵn sàng nói to và sẵn sàng nghe người khác nói to. Những đức tính như thế bảo đảm cho bạn sống yên ổn và phấn khởi. Đừng dại dột hay ảo tưởng đặt mình vào địa vị của thượng đế bởi Hà Nội là đất học hành, ai cũng biết thượng đế không tồn tại.

Những kỉ niệm sâu sắc mỗi lần ra Hà Nội ùa về khi đất trời trở lạnh, khi mùa thu đến cứ khiến lòng ta chợt trào dâng một nỗi buồn man mác, nghẹn ngào rất khó tả. Như một câu hát đã ngân lên: "Ở nơi ấy có một người mà tôi mến yêu." Ở nơi ấy có một quán hàng mà tôi sợ hãi và ở nơi ấy có một bà chủ khiến tôi run run. Tiền bạc là nhất thời, tình yêu là mãi mãi.

Theo Giaoduc.net.vn
 

boymc

Administrator
[h=1]"Người Hà Nội chưa bao giờ… thanh lịch""Người Hà Nội chưa bao giờ… thanh lịch"[/h]Chả hiểu sao tôi rất nhạy cảm với những vụ đánh, chửi nhau. Sống ở Hà Nội, và đi trên phố Hà Nội, thấy bất luận những dấu hiệu nào (dù là nhỏ nhất) của một vụ đánh, chửi thì tôi cũng phải ngoái đầu lại, hoặc ít nhất cũng phải thực hiện một cái liếc mắt. Anh bạn người Nam ra Bắc mỗi lần đi chơi với tôi và nhìn thấy cái liếc mắt tò mò của tôi lại nói nửa đùa nửa thật: “Mày chẳng Hà Nội tí nào”. Xin lỗi nhé, cho tôi hỏi ngược lại, vậy thế nào mới là người Hà Nội?

1/Dễ ợt. Dễ như chưa từng dễ. Dễ tới mức một đứa trẻ cũng trả lời được, bởi ở đây, trên mảnh đất này, từ già, trẻ, lớn, bé, trai, gái, Gay, Les…., tất tần tật đều thuộc câu: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Và như thế, suốt bao năm nay, trải qua mọi bể dâu cuộc đời người ta cứ mặc định mà thực chất là tự lừa dối mình rằng: Tính cách của người Hà Nội là sự thanh lịch.
Đọc tới chỗ này, những người yêu Hà Nội một cách bảo thủ, cực đoan có lẽ sẽ điên tôi lắm. Và nếu có một điều ước, chắc mấy vị sẽ ước được đứng trước mặt tôi để tát cho cái thằng tôi hỗn láo này một cái nảy đom đóm mắt. Nếu các vị tát, tôi xin chân thành…ăn tát, vì điều tôi nói ra có thể đụng chạm tới lòng tự hào tự tôn bấy lâu của các vị. Mà ở đời, bất kể kẻ ngu dốt nào dám đụng chạm tới những giá trị thuộc về sự tự hào, tự tôn của người khác đều xứng đáng…ăn tát cả.
20120724141236_hoa-phuong-no-o-ha-noi33794.jpg
ảnh minh họa (nguồn VB)

Nhưng trước hoặc sau khi tát xin các vị hãy bình tĩnh nghe tôi giải thích. (Nói thế chứ tôi tin, với “tính cách Hà Nội” bây giờ, nhiều người chẳng thèm nghe đâu. Cứ hễ thấy ai trái ý mình một tí là những người ta lại mặt đỏ tía tai, chửi được thì chửi, tát được thì tát, và chửi rồi, tát rồi thì sẽ tuyệt giao cho tới lúc về bên kia thế giới).
2/Rất nhiều lần tôi tự hỏi mình: Nếu bảo tính cách người Hà Nội là sự thanh lịch thì cái sự thanh lịch ấy bắt nguồn từ khi nào thế? Khi Hà Nội còn là kinh đô của những triều đình phong kiến chăng? Chắc chắn là không, vì xã hội phong kiến Việt Nam là một xã hội thuần nông, một xã hội có tới 80 cho đến 90% dân số là nông dân, mà sự thanh lịch dĩ nhiên không thể là tính cách điển hình của người nông dân.
Nhiều nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu đều cho rằng nét thanh lịch của một bộ phận người Hà Nội (phải gọi thế mới chính xác) được xác lập từ khoảng đầu thế kỷ 20 - khi thực dân Pháp định hình xong chính quyền cai trị cho đến những năm 50, 60 của thế kỷ ấy – khi giai cấp tư sản, tiểu tư sản chính thức bị xóa sổ. Ai cũng biết, từ đầu thế kỷ 20 cho tới trước CMT8 (1945), xã hội Việt Nam là một xã hội thực dân, nửa phong kiến đúng nghĩa, một xã hội mà nói như ông Hoài Thanh trong “Thi nhân Việt Nam” thì “sự đụng chạm với phương Tây làm tan rã không biết bao nhiêu bức tường thành kiên cố”. Chính sự đụng chạm ấy đã khiến một xã hội mà suốt bao năm luôn chứa đựng cái mâu thuẫn đối kháng giữa nông dân và địa chủ giờ xuất hiện thêm những giai tầng mới như tư sản, tiểu tư sản. Và sự thanh lịch, nho nhã chính là nét tính cách điển hình của những giai tầng mới mẻ, đặc biệt này.
Nhưng nên nhớ rằng tư sản, tiểu tư sản chỉ chiếm một số lượng nhỏ bé nhất định trong xã hội Thủ đô thời đó. Còn có những số lượng người to lớn khác không sống trong khu 36 phố phường, mà sống rải rác trong các làng nội đô, trong đó có những cái tên nổi tiếng như làng Ngọc Hà, Chân Cầm, Tương Mai, Quỳnh Mai, Bạch Mai, Báo Thiên, Khánh Thụy…
Những người sống trong làng nội đô mang tính cách nửa nông dân, nửa thành thị, và điểm trội của phức hợp tính cách này không phải là sự thanh lịch, mà lại là sự điềm nhiên, vui thú.
Tới đây, một kết luận có thể được rút ra: Trong giai đoạn từ đầu thể ký 20 cho tới những năm 50, 60 của thế kỷ 20 – cái giai đoạn được cho là đã xác lập phẩm chất thanh lịch giữa lòng Hà Nội thì nó – cái phẩm chất trân quý ấy cũng chỉ là phẩm chất riêng của những người tư sản, tiểu tư sản, chứ không phải là phẩm chất của người Hà Nội nói chung.
3/Song có lẽ ấn tượng về sự thanh lịch, nho nhã là những ấn tượng đầy sức quyến rũ. Và chính vì sự quyến rũ ấy mà người Hà Nội ngày từng ngày, tháng từng tháng, năm từng năm, cứ dần dần thổi phồng nó lên giống hệt như việc người ta thổi phồng những quả bóng bay.
Bản thân việc thổi phồng ấy là rất tốt, bởi một nét tính cách đẹp có thể chỉ khởi phát ở một bộ phận giai cấp nhỏ bé, nhưng nó nên và rất nên được nhân rộng. Vấn đề quan trọng nằm ở chỗ, đấy là sự thổi phồng bản chất hay sự thổi phồng hình thức?
Nếu là sự thổi phồng bản chất thì người ta chắc chắc sẽ thay đổi từ ý thức cho tới hành động của mình để trở thành những con người thanh lịch đúng nghĩa. Còn nếu đấy là sự thay đổi hình thức thì người ta sẽ chỉ thay đổi ở góc độ cái mồm, nghĩa là sẽ luôn miệng nói và dạy cho những người quanh mình một câu nói máy móc rằng “chúng ta là những người thanh lịch”, và nói xong câu này, tự hào xong cái niềm tự hào giả tạo này thì mọi thứ chấm dứt ở đây.
Nhìn lại những gì phần đông người Hà Nội đã và đang thực hiện, không khó thấy rằng dạng thổi phồng thứ 2 có tính thực tiễn lớn hơn và xác suất chính xác cao hơn so với dạng thứ nhất rất nhiều.
Và như thế, đã đến lúc phải thôi ngay cái việc tự lừa dối mình rằng tính cách của người Hà Nội nói chung là sự thanh lịch. Đã đến lúc phải tỉnh táo, dũng cảm thừa nhận rằng sự thanh lịch ấy chỉ tồn tại ở một bộ phận nhỏ người Hà Nội, trong một giai đoạn lịch sử đã đi qua, chứ không phải là tính cách điển hình chung của phần đông người Hà Nội, nhất lại là một Hà Nội đã mang vào lòng nó cả một “Hà Tây vĩ đại” như bây giờ.
4/Như đã nói ở phía trên, một sự thừa nhận “trần trụi” như thế có thể sẽ khiến cho những người yêu Hà Nội một cách hình thức, một cách cực đoan, bảo thủ phải tức điên lên. Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng chỉ khi nào chúng ta dám thừa nhận rằng “sự thanh lịch chưa bao giờ là phẩm chất điển hình của người Hà Nội nói chung”, và rằng “người Hà Nội chưa bao giờ định vị cho mình một tính cách điển hình nào” thì khi ấy chúng ta mới có thể bắt tay xây dựng một tính cách điển hình tốt đẹp và thực chất cho tương lai của mình.
Bằng không hãy cữ mãi mãi “tự sướng” đi, cứ mãi mãi vuốt ve nhau về “những người Hà Nội thanh lịch” đi, để rồi rất nhiều khách nước ngoài khi đặt chân đến Hà Nội sẽ tiếp tục phải rỉ tai bạn bè: “Đến đây cẩn thận nhé, vì ở đây người ta “chém” khách du lịch dã man”!/
Nhà báo Phan Đăng – Báo Công An Nhân Dân
 

boymc

Administrator
[h=1]"Văn hóa xuống cấp, Hà Nội chả khác một cái chợ"[/h]Bàn về văn hóa và phong cách sống của người Hà Nội xưa và nay, họa sĩ, nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cho rằng, đời sống văn hóa của Thủ đô đã kém đi một cách nghiêm trọng, kể từ sau khi Hà Nội đổi mới...
Văn hóa xuống cấp từ rất lâu

Theo hoạ sĩ - nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, phong cách sống thanh lịch, ăn uống nhẹ nhàng, nói năng lịch sự, ăn mặc thì giản dị, kín đáo mà tinh tế của người Hà Nội thì chỉ có từ thời trước chiến tranh phá hoại năm 1965 - cái thời mà Hà Nội chỉ nhỏ bé với vài vạn người ở thành phố và bốn huyện ngoại thành.
20120723160849_camthuong.jpg
Họa sĩ, nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng. Ảnh: Internet


Đến khoảng những năm 1980, Hà Nội đã rất khác. Lúc này, những đầm lầy Kim Liên, Giảng Võ... đã được lấp hết và nhiều nhà tập thể bốn năm tầng mọc lên. Nhiều làng trong nội đô đã phố hóa hoàn toàn, dân số tăng vọt sau chiến tranh. Tuy nhiên, trong nền kinh tế bao cấp lúc đó mọi người đều vất vả, và đều nghèo như nhau. Điện nước, lương thực thì khó khăn.

Sau khi đổi mới, Hà Nội là nơi phản ánh rõ nét nhất với sự thoát ra khỏi tình trạng thiếu điện, thiếu nước, thiếu gạo. Đó là những thay đổi rất tốt, nhưng có một thay đổi không tốt đó là đời sống văn hóa của thủ đô kém đi nghiêm trọng.

Thủ đô bao giờ cũng là trung tâm văn hóa, vậy nơi đó phải có nhiều bảo tàng nghệ thuật, nhiều nhiều nhà hát, nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật ở đỉnh cao... cái này thì Hà Nội đang thụt lùi. Hà Nội bây giờ chỉ như một cái chợ lộn xộn, bẩn thỉu. Người Hà Nội không đi xem triển lãm, không xem tranh ảnh, không nghe giao hưởng... chỉ ăn nhậu, chơi, tiều xài đắt tiền. Thực ra ý thức về giao thông, môi trường, ứng xử liên quan trực tiếp đến sự hưởng thụ văn hóa nghệ thuật. Sự hưởng thụ quá ít, quá thấp, nên ý thức sống cũng thấp. Hưởng thụ văn hóa nghệ thuật là rất quan trọng cho việc hình thành tính cách người đô thị. (Theo PNTD)

Văn hóa ứng xử ngoài đường của người Hà Nội xuống cấp một cách đáng báo động. Những người sống ở Hà Nội bây giờ rất dễ bị kích động, dễ gây gổ, đánh nhau, chửi nhau bằng những lời lẽ thô tục ...

Người làm kinh doanh, bán hàng thì chảnh chọe, kiêu căng, bất cần - Đây là hệ quả của kinh tế bao cấp người bán không cần người mua vẫn còn tồn tại trong người dân Thủ đô. Đến khi kinh tế khó khăn thì nhanh chóng cướp khách, bán hàng, thu vốn, mà không còn nghĩ đến chữ tín và đầu tư lâu dài.

Bên cạnh đó, công nghệ du lịch cũng chưa có, tất cả đều là tự phát, khiến cho khách nước ngoài luôn phải chịu tình cảnh hai giá...

“Chung quy lại thì tất cả là do văn hóa xuống cấp, người ta không tự chủ được trong một môi trường có tính cạnh tranh khốc liệt". - Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng nói.

Sự phát triển không đồng bộ chính là nguyên nhân

Lý giải cho sự thay đổi thụt lùi về đời sống văn hóa của người dân Thủ đô, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng cho rằng: “Chính tính không đồng bộ trong những bước phát triển của Hà Nội đã tạo ra những cái dở nghiêm trọng. Ví dụ, môi trường sống – không khí, nguồn nước, thực phẩm, vệ sinh là tồi nhất nước, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tâm tính con người. Giao thông cũng là vấn đề lớn, khi đáng nhẽ nó phải được làm trước khi xây các khu đô thị mới.

Sự giáo dục và ý thức công dân cũng không tốt, người ta sống ở thành phố mà luộm thuộm và tự do vi phạm giao thông, môi trường như ở làng xã.

Bên cạnh đó, cũng không có thủ đô hiện đại nào người ta lại cho xây dựng đủ các kiểu như Hà Nội. Và cũng không có một thủ đô hiện đại nào mà không có được một vỉa hè phẳng phiu, vững chãi như ở Hà Nội".

Cho nên, “tính cách con người sống ở Hà Nội thay đổi cũng là tất yếu. Và nếu đặt Hà Nội vào trong bối cảnh xuống cấp chung của văn hóa đạo đức toàn quốc, thì tất yếu thủ đô là nơi phản ánh những nét căn bản nhất của dân tộc” - Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng nhấn mạnh.
Theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, để có để có thể biến Hà Nội trở thành một đô thị có nếp sống văn minh, sạch đẹp, thì không thể chỉ động viên, giáo dục suông.

“Đô thị thời hiện đại là một tổ hợp sống cho hàng triệu người khác với một thành phố thời nông nghiệp với vài chục nghìn dân. Giống như ngôi nhà hai ba tầng khác hẳn với một ngôi nhà 50 tầng.

Người ta ít ý thức rằng Hà Nội đang bước vào một đời sống khác của một đô thị đang đi đến hiện đại, ngoài các trang bị kỹ thuật và hạ tầng hiện đại, con người ở đó cũng phải hiện đại. Đó là những công dân của thời hậu công nghiệp, chứ không phải là những người nông dân ra thành phố sống. Đô thị hiện đại có lý thuyết riêng, đòi hỏi ta phải tuân theo, rồi mới đến những tính cách thanh lịch, tao nhã này nọ". - Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng nói.


Vũ Lụa
" Hà Nội bây giờ chỉ như một cái chợ lộn xộn, bẩn thỉu... với sự xuống cấp trầm trọng về văn hóa" - Bạn nghĩ gì về quan điểm này của nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng? Hãy chia sẻ ý kiến của bạn theo mẫu phản hồi dưới đây hoặc hòm thư [email protected]. Trân trọng cảm ơn!


 

boymc

Administrator
[h=1]Vì sao Hà Nội lại trở nên xấu xí như vậy?[/h]Nhiều người ở tỉnh về Hà Nội sinh sống, lúc đầu cũng khá tuân thủ luật lệ giao thông, vì họ chưa quen nên sợ, đi xe nhiều khi đèn, gương đầy đủ lắm, nhưng rồi sau một thời gian rồi cũng lại vi phạm.

Thủ đô Hà Nội, đã được xác định là trung tâm Hành chính, Chính trị, Văn hóa, Kinh tế, Giáo dục .. thì việc tập trung mọi tầng lớp lao động từ lao động chân tay đến lao động trí óc ở đây là điều cần thiết. Nhiều thủ đô trên thế giới chỉ là trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa thì việc quy hoạch lực lượng lao động sẽ đơn giản hơn, gọn gàng hơn và dễ quản lý hơn.
20120724141236_gthanoi_1328951708.jpg
Hà Nội hiện tại giống như một cái làng (ảnh minh họa)


Cuộc sống ở Hà Nội phải nói là có rất nhiều ưu đãi và hơn hẳn các tỉnh khác về các mặt. Kinh tế thì về tổng thể dễ tìm việc và kiếm tiền hơn, văn hóa thì là nơi tập trung nhiều di tích lịch sử, nhiều bảo tàng, nhiều trung tâm văn hóa, nhiều đoàn nghệ thuật, y tế thì là nơi tập trung các bệnh viện đầu nghành với nhiều bác sĩ giỏi, giáo dục thì có nhiều trường tốt từ mầm non cho đến Đại học.
Nhưng rất nhiều các công dân Thủ đô, từ những người sống lâu năm ( có thể coi là Người Hà Nội) cho đến những người nhập cư, những sinh viên đại học, những người tạm trú đang được hưởng cái ưu đãi đó vẫn chưa làm được điều là trở thành những công dân tốt cho cả nước noi theo và Hà Nội vẫn chưa là một mô hình điển hình tốt để các thành phố khác học tập.

Về giáo dục: Nhiều em học sinh từ nhỏ đã phải quen với tiêu cực khi bố mẹ các em phải mất nhiều triệu đồng để chạy trường chạy lớp, các phụ huynh có hộ khẩu Hà Nội thì muốn chạy cho các con vào các trường tốt, các phụ huynh từ các tỉnh khác về thì lại phải chạy cho con học theo dạng trái tuyến. Dẫu biết rằng quyền được đi học là quyền cơ bản của các cháu , nhưng lẽ đời thì phép vua thua lệ làng nên việc chạy chọt đó là đương nhiên. Học thêm thì triền miên mặc dù đã được cảnh báo và hạn chế nhiều. Bệnh thành tích cũng rất phổ biến,cách đây hơn 1 năm, tôi có đứa cháu cũng chuyển về học cấp 2 tại Hà Nội, một hôm ngồi nói chuyện với cháu hỏi tình hình học tập thế nào, cháu trả lời rất vô tư, ở Hà Nội học dễ lắm cậu ạ, điểm 10 rất nhiều, còn như ngày cháu học ở tỉnh thì để có điểm 10 là rất khó khăn.

Về đóng góp choxã hội: Do Hà Nội là trung tâm của cả nước, nên về cơ bản thì cơ sở hạ tầng đã khá hoàn thiện, đường sá được đầu tư nâng cấp hàng năm với nguồn ngân sách được cấp bởi Hà Nội và Trung ương nên việc huy động người dân về sức người sức của là rất ít, nếu có thì chủ yếu là các vùng thuộc Hà Nội mở rộng. Còn ở các tỉnh khác thì việc xã hội hóa cơ sở hạ tầng là khá nhiều, như làm đường thôn xóm, xây nhà văn hóa, làm đường điện, nhiều tỉnh, người dân còn tự nguyện hiến đất làm trường, làm đường.

Về khoản nộp thuế, có lẽ do Hà Nội có quá nhiều các cơ sở kinh doanh, từ các của hàng nhỏ, cho đến các tập đoàn lớn nên lực lượng cán bộ của Cục thuế Hà Nội không thể quản lý hết được, cũng vì thế mà nhiều cửa hàng nhỏ coi chuyện nộp thuế là việc các doanh nghiệp, các tập đoàn, mặc dù nhiều cửa hàng nhỏ có doanh thu không kém gì một công ty, còn mức lãi nhiều khi lớn hơn rất nhiều.

20120724141236_hoa-phuong-no-o-ha-noi33794.jpg
Nhiều người dân nuối tiếc hình ảnh một Thủ đô thanh bình, thanh lịch (ảnh Vb)

Về giao thông, vì đặc thù của Hà Nội, nơi tập trung dân số cao nên việc ùn tắc là dễ hiểu, có thể thông cảm được, nhưng ý thức tham gia giao thông của người dân Hà Nội có lẽ kém nhất cả nước, phóng nhanh, vượt ẩu, chen lấn... Nhiều người ở tỉnh về Hà Nội sinh sống, lúc đầu cũng khá tuân thủ luật lệ giao thông, vì họ chưa quen nên sợ, đi xe nhiều khi đèn, gương đầy đủ lắm, nhưng rồi sau một thời gian rồi cũng lại vi phạm. Nhiều người Hà Nội có ý thức, những bạn trẻ đi du học về họ cũng muốn chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông lắm nhưng khi đó họ lại bị coi là người xa lạ trên chính mảnh đất của mình.
Có lẽ nếu nói chuyện Hà Nội thì còn vô số chuyện phải nói, tốt có , xấu có ….nhưng tôi chỉ mong muốn một điều là Hà Nôi hãy luôn là tấm gương tốt cho cả nước, mỗi công dân của Hà Nội kể cả tạm trú hãy là những công dân mẫu mực,sống có trách nhiệm với mọi người và xã hội xứng đáng với những gì mà họ đang được hưởng và xứng đáng với những gì mà nhân dân cả nước đã và đang dành cho Hà Nội.
Nếu tưởng tượng cả Miền Bắc là một Asian ( Đông Nam Á) thì rất mong Hà Nội hãy là một Singapore với những luật lệ nghiêm chỉnh, thậm chí có những luật lệ khắt khe hơn ở nơi khác, những đường phố tấp nập nhưng không ùn tắc, những con người thân thiện, những công viên rợp bóng cây xanh, để mỗi ai đến Hà Nội, dự định sống ở Hà Nội, hoặc đang sống ở Hà Nội hãy hoàn thiện mình hơn nữa.
Bạn đọc Nguyễn Song Toàn

Hà nội hỗn loạn
Những người ở Hà nội hoàn toàn không tin & tôn trọng bộ máy điều hành HN, vì lý do gì thì xin tự tìm hiểu, bộ máy đã không giúp HN có được sự đề kháng cần thiết của một đô thị lớn (như HCM cho thấy một khả năng hấp thụ và đồng hóa nhập cư rất tốt nhờ bộ máy điều hành hiệu quả). Vì thế mỗi người đều tự hành xử tùy tiện theo ý mình nên Hà nội mới hỗn loạn và nham nhở thế này. Người ở HN từ trước cũng buộc phải hòa mình vào sự hỗn loạn này để tồn tại, còn người mới đến thì chỉ nhìn thấy sự hỗn loạn nên cứ thế mà theo
Hà Nội
Nói một cách công bằng thì ở đâu cũng có tình trạng này chứ không riêng gì ở HN mới có. Chỉ khác một điều là ở HN chuyện này nhiều quá, khiến ngay cả người mình ra một lần rồi cũng không muốn quay lại. Về ẩm thực, giao thông... ra là thấy liền. Mình đậu xe đèn đỏ, họ chay sau đến bấm còi, hoặc chay qua luôn phan thêm 1 câu "bị hâm sao dừng lại"? Xe thì thiếu kính chiếu hậu, không đội mũ bảo hiểm, mình cảm giác như họ không sợ luật, bị bắt lại thì gọi người quen làm "ông này bà nọ" cứu , vì theo vài người bạn hay nói, HN là nơi sinh ra luật thì có gì để sợ? Về ăn uống hàng quán thì khỏi chê, câu "khách hàng là thượng đế" thì không nên dùng ở HN. Không phải HN nổi tiếng với "Bún mắng, Cháo chửi" hay sao? Xin lỗi chứ ai ăn được còn tôi thì không bao giờ.

 

boymc

Administrator
Hà Nội: Lòng tự trọng còn xa xỉ nói gì đến văn hóa!

“Hà Nội là Thủ đô của gần 90 triệu dân mà không opera, không ballet, không giao hưởng. Với "thành tựu" văn hóa duy nhất hiện nay là thi hoa hậu thì nói đến văn hóa là sáo từ. Một đất nước có hơn 9.000 giáo sư mà chỉ có 12 bằng phát minh trong 10 năm thì còn gì là văn hóa và khoa học. Lòng tự trọng còn là thứ xa xỉ thì nói gì đến văn hóa anh Dương Thụ ơi”, TS Phạm Huy Thưởng bày tỏ.Hà Nội thời “tả pí lù”
Bài viết “Văn hóa thấp đi nhưng người Hà Nội vẫn rất tự tin” thể hiện quan điểm của nhạc sĩ Dương Thụ bàn về đời sống văn hóa của người hiện đại đã nhận được rất nhiều phản hồi của độc giả. Phần đông độc giả đồng tình với quan điểm và cách nhìn của nhạc sĩ.
Độc giả TS Phạm Huy Thưởng bày tỏ ông là một người sinh ra và lớn lên trên đất Hà Nội. Là người Hà Nội, ông không thể không đau xót khi nghe những nhận xét của nhạc sĩ Dương Thụ: “Tôi hoàn toàn đồng ý với anh Dương Thụ về Hà Nội xưa, Hà Nội mới và Hà Nội thời tả pí lù. Thật đau đớn khi nói về văn hóa Thủ đô khi một năm chỉ có vài nhạc công cổ điển quốc tế đến biểu diễn.
Hà Nội là Thủ đô của gần 90 triệu dân mà không opera, không ballet, không giao hưởng thì nói về văn hóa là sáo từ. Các vở kịch, "tác phẩm văn học" hiện tại thì nhạt nhẽo, chợ búa và hoàn toàn không có bản sắc và tính triết học. Với "thành tựu" văn hóa duy nhất hiện nay là thi hoa hậu thì nói về văn hóa là quá xa vời. Một đất nước có hơn 9.000 giáo sư mà chỉ có 12 bằng phát minh trong 10 năm thì còn gì là văn hóa và khoa học. Lòng tự trọng còn là thứ xa xỉ thì nói gì đến văn hóa anh Dương Thụ ơi”.
20120730095824_conduonggstt.jpg
Một trong những hành động không đẹp mắt giữa ban ngày ở Hà Nội. Ảnh: Tuổi trẻ

Hà Nội trong mắt độc giả Thúy Phạm cũng “tả pí lù”, nhếch nhác không kém: “Hà Nội là thủ đô, là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị, là đầu não của cả nước mà cơ sở hạ tầng nhếch nhác bẩn thỉu, không có sự đầu tư, đường sá thì chật chội, con người chỉ toàn lừa lọc, không văn minh. Xài tiền ở Hà Nội giống như chúng ta bị ăn cướp vậy, giá cả thì trên trời, gấp 3-4 lần trong Sài Gòn. Thật khủng khiếp. Nếu chúng ta đi xe bus thì sẽ được nếm cảnh xô đẩy, chen lấn và bị móc túi bất cứ lúc nào. Vào bến xe thì hàng đống các thành phần "cò" chèo kéo. Bây giờ cứ nghĩ phải ra Hà Nội là một nỗi kinh hoàng”.

Còn độc giả Thanh Tâm thì đồng ý với quan điểm của nhạc sĩ cho rằng người Hà Nội rất tự tin: “Người Hà Nội có nhiều cái quá tự tin. Tự cho mình thanh cao, là bề trên của những người khác xem thường nhũng người khác ra mặt. Lấy ví dụ khi Hà Nội sáp nhập với các tỉnh khác thì "người cũ" đã bắt đầu kỳ thị "người mới" gọi họ nào là "Hà Tây vĩ đại", rồi những thói hư tật xấu, cách ứng xử nơi cộng cộng,... người ta lại đổ lỗi cho dân "tỉnh lẻ" lên Hà Nội gây ra”.

Độc giả này còn so sánh Hà Nội với cuộc sống ở Sài Gòn, nơi độc giả này đang sinh sống: “Sài Gòn cũng đâu thua kém Hà Nội, cũng có dân tỉnh lẻ lên, thậm chí chiếm đến hơn 30% dân của thành phố. Nhưng thử hỏi có người Sài Gòn nào lại đổ tội cho dân tỉnh lẻ hay chưa, hay dân tỉnh lẻ ở Sài Gòn văn hóa hơn dân tỉnh lẻ tại Hà Nội? Là dân của thủ đô cả nước, đáng lý ra người Hà Nội phải là tấm gương sáng, phải là niềm tự hào của nhân dân cả nước. Đằng này thử hỏi có bao nhiêu người tự hào với người Hà Nội? hay chỉ có người Hà Nội là tự hào về mình thôi?”.
Sinh ra trong một gia đình có 5 đời sống ở Hà Nội, độc giả Thanh Trang không tự nhận mình là Người Hà Nội nhưng vẫn cùng chung một dòng cảm luyến tiếc về Hà Nội với nhạc sĩ Dương Thụ: “Hà Nội trong tâm trí tôi được xây dựng bởi câu chuyện của ông bà, cha mẹ. Tôi là thế hệ thứ 5 trong gia đình, là một trong vài người không được sinh ra ở Hà Nội còn tất cả đều sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Những ký ức về Hà Nội như được truyền đi trong hơi thở, nhịp đập, trong cái nếp sống dù ở xa nhưng chúng tôi vẫn luôn giữ được.
Gia đình tôi, đã hơn 4 đời, tính đến đời tôi và các anh em họ là đời thứ 5, tất cả ngoại trừ tôi và vài người được sinh ra nơi đất khách, nhưng chưa ai trong chúng tôi ghi trong tờ khai về quê quán 2 từ Hà Nội. Một phần chúng tôi trân trọng nguồn gốc Nam Định của mình nhưng phần khác, phần nhiều, chúng tôi tự biết rằng, 3 chữ Người-Hà-Nội không phải một danh hiệu mà nó là tinh thần, là những lời dạy bảo, khuyên răn, là lối sống của các thế hệ trong gia đình. Chúng tôi lưu giữ nó như một sự tự hào, không cần phải nói ra, nhưng như đã nói nó chảy trong huyết quản chúng tôi. Dù có đi đâu, về đâu, chúng tôi vẫn chỉ muốn nhớ về Hà Nội, một trái tim hồng, luôn trường tồn với thời gian”.
Cho rằng cách nhìn, sự đánh giá về Hà Nội của nhạc sĩ là rất đúng, rất có trách nhiệm và bao dung. Rất nhiều độc giả bày tỏ lời cảm ơn với nhạc sĩ Dương Thụ.
“Cảm ơn nhạc sĩ. Cách viết của nhạc sĩ cũng giống như những nét nhạc của ông; dung dị, sâu lắng, rung động và rất có trách nhiệm. Vấn đề là ai đã tạo ra văn hóa Hà nội như ngày nay, một Hà Nội xô bồ, nhộm nhoạm với văn hóa ứng xử thấp kém. Chỉ có người tạo ra nó thì mới có thể sửa đổi nó, giống như việc chỉ có người buộc chuông thì mới cởi được nút chuông”, độc giả Trần Hoàng bày tỏ.
Lập diễn đàn để rộng đường dư luận
“Đồng ý rằng ai cũng công nhận Hà Nội là một cái chợ rồi, song ta làm gì?” đó là câu hỏi của rất nhiều độc giả trăn trở với nền văn hóa của thủ đô. Rất nhiều độc giả lên tiếng, đóng góp cao kiến để vực dậy văn hóa nơi đây. Trong đó, nhiều độc giả cho rằng chính quyền thành phố nên lập diễn đàn, hội thảo để mọi người cùng đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề.
Độc giả Chung Sức lên tiếng: “Tôi nghĩ rằng những người tâm huyết với Hà Nội đã nhận thấy vấn đề, nhưng làm sao để thay đổi. Không lẽ người VN chúng ta chỉ ngồi nhìn và chấp nhập thực tế như vậy? Hay là chúng ta chỉ ngồi trông chờ vào thời gian để mọi việc thay đổi từ từ? Hoặc lại đổ lỗi cho cái cơ chế hiện tại chưa cho phép làm? Đây chính là thời điểm thách thức để thể hiện lòng quyết tâm của mình”.
Độc giả Vũ Núi đưa ra giải pháp: “Tôi thấy cần thiết phải mở rộng đường (và tạo điều kiện) cho dư luận bàn về vấn đề xuống cấp của Văn hóa Người Hà Nội, để cho "Người Hà Nội" mở mắt ra nhìn rõ mình hơn (Tôi thành thật xin lỗi những Người Hà Nội chân chính), không ảo tưởng, tự tin duy ý chí nữa, để cho chính quyền, cơ quan quản lý hiểu đúng về "sản phẩm văn hóa" mà mình được nhân dân cả nước giao cho lãnh đạo, quản lý. Có vậy mới cứu vãn được sự xuống cấp của văn hóa Hà Nội”.
Độc giả Anthony, một việt kiều cũng đóng góp ý kiến: “Thiết nghĩ những người yêu Hà Nội thật sự thì cần phải ủng hộ chính phủ duyệt điều chỉnh quy hoạch Hà Nội mở rộng 2030-2050 trong đó sẽ chuyển TT hành chính, kinh tế, chính trị lên Ba Vì. Để Hà Nội cũ mãi mãi là TT văn hóa, xứng đáng là Thủ Đô của Việt Nam. Nếu được biểu quyết, tôi sẵn sàng kêu gọi đuợc trên 1000 người ở Hà Nội, SG và kiều bào tán thành đề án này. Nếu điều đó thành sự thật thì mới mong rằng cuối thế kỷ 21, VN mới có thể tự hào với thế giới là có 1 thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến được”.
Còn độc giả Bi Vũ lại kêu gọi mọi người bắt đầu từ những việc nhỏ nhất: “Tôi nghĩ cần có một diễn đàn để mỗi người nêu một giải pháp cụ thể. Nhiều người yêu Hà Nội, quan tâm đến Hà Nội sẽ đọc và làm theo. Từ hành vi, thói quen sẽ trở thành văn hóa. 1 năm, 2 năm hoặc 10 năm cũng vẫn còn hơn là không bao giờ thay đổi được. Ví dụ, Tôi không vứt rác linh tinh trên đường, con tôi cũng không làm thế, nếu có tôi phải nhắc ngay và quay lại nhặt. Bất kể thứ gì không được vứt trên đường phố, vỉa hè, những bà mẹ có con nhỏ cũng hãy làm như thế. Việc dù rất nhỏ... nhỏ lắm nhưng thể hiện con người bạn thế nào đấy”.
Cũng đồng quan điểm với nhạc sĩ Dương Thụ, cho rằng trách nhiệm vực dậy văn hóa thủ đô thuộc về toàn thể nhân dân cả nước, nhưng người then chốt vẫn là lãnh đạo thành phố, độc giả Đỗ Nha Trang bày tỏ:
“Tất cả là ở lãnh đạo. Khi được hỏi về cao kiến để có thể biến Hà Nội trở thành một đô thị có nếp sống văn minh, sạch đẹp nhạc sĩ Dương Thụ cho rằng “Người yêu Hà Nội nhất, có tư cách để trả lời câu hỏi này nhất chính là ông Bí thư Thành ủy và vị Chủ tịch Thành phố Hà Nội”. Không biết các vị lãnh đạo của thành phố có khi nào nghĩ đến những điều này hay không?”
Kim Minh (tổng hợp)
 
Top