Học thi: song hành 2 mục đích

capricorn

New Member
Thầy Lê Kim Long là giáo viên dạy chuyên hoá ở khối THPT chuyên, đồng thời là giảng viên khoa Hoá học Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội). Thầy đã từng giảng dạy, bồi dưỡng và dẫn nhiều đoàn học sinh dự thi quốc tế. Dưới đây là những tâm sự của thầy về kinh nghiệm học thi đại học.

Có hai mục đích trong học tập là học để biết, để có kiến thức toàn diện và nhằm một mục tiêu cụ thể như thi tốt nghiệp THPT hoặc đại học. Hai mục đích này luôn song hành với nhau.

Học toàn diện

Tôi đã từng dẫn học sinh lớp 9 đi thi quốc tế. Họ ra đề rất tổng hợp, có cả hoá, sinh, lý trong một đề thi. Thế nhưng học sinh mình chỉ chuyên về một môn, nên chỉ làm được 1/3 đề thi. Tôi nhớ họ còn quay được cả cảnh một học sinh mình (từng được huy chưng vàng tại Singapore), nhưng khi đến phần thí nghiệm lại không biết làm như thế nào, cứ ngồi cầm xoay vòng tròn cái ống nghiệm!
Theo tôi, đã là học sinh phải học toàn diện. Tuy vậy, không có nghĩa phải lên gân để học, mà bạn nên có cách học để tiếp cận các môn. Ai cũng có môn học yêu thích của mình và khi học các môn khác, bạn hãy đứng ở góc nhìn của môn mình yêu thích, như vậy áp lực học sẽ nhẹ đi. Tôi xin lấy ví dụ ở môn hoá.

Nếu bạn cảm thấy khó khăn khi học lịch sử, bạn hãy nhìn lịch sử dưới góc độ... môn hoá. Chẳng hạn, chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi huy hoàng. Vậy ta đã làm súng đạn như thế nào. Chất hoá học nào làm nên thuốc nổ?...

Học địa lý rất khô và khó nhớ. Nhưng nếu học sinh nhìn từ góc độ nơi nào có khoáng vật gì, chế tạo ra được những vật liệu nào... thì sẽ có hứng thú hơn khi học môn địa lý...Như vậy, hoá học sẽ không “cô đơn” chỉ toàn những phương trình phản ứng.

Học có mục đích

Vào THPT, học sinh luôn có tâm lý lớp 10 là lớp xả hơi, lớp 11 có chăm lên một tí và lớp 12 thì lao vào học cật lực. Tuy vậy, để chuẩn bị kiến thức xông xênh cho thi đại học thì không thể ngày một ngày hai, không thể đợi khi bước vào lớp 12 mới chuẩn bị được. Dù bạn thông minh, nếu khởi động từ lớp 12, bạn chỉ có thể đứng ở ranh giới giữa đỗ và trượt, rất mong manh. Tôi không hy vọng học sinh chăm học và có cường độ học tập căng trong cả ba năm. Nhưng nếu bạn đã trót chơi nhiều ở lớp 10 thì từ lớp 11, bạn có thể bổ sung kiến thức cho mình. Bởi vậy, lớp 11 còn gọi là lớp bản lề, rất quan trọng. Đừng đợi đến lớp 12, vì hoàn cảnh, sức khoẻ hay rất nhiều yếu tố khách quan có thể ảnh hưởng đến sức học của bạn.
Theo tôi, chương trình và sách giáo khoa của mình về cơ bản là ổn. Học sinh học hết sách giáo khoa là rất tốt rồi, không cần phải đi học thêm. Nếu muốn sâu hơn chỉ nên mua một vài sách tham khảo của các nhà xuất bản có uy tín.

Trong học tập, có mấy mức như sau:

Mức 1: Học thuộc. Không chỉ cần trong môn xã hội, các môn tự nhiên cũng có những dạng bài có ý tưởng nhất định và bạn phải hiểu, thuộc cách làm các bài có chung ý tưởng đó. Cách tốt nhất để tìm ra các dạng bài đó là bạn hãy thay đổi một số điều kiện đã ra trong bài, ngay lập tức bài sẽ chuyển sang khó hơn hoặc dễ hơn. Cố gắng làm các bài khó hơn, bạn sẽ nhớ rất sâu cách làm các bài có chung ý tưởng này.

Mức 2: Tổng kết: Trong chương này, cái gì là quan trọng, cần ghi nhớ, cái gì cần phải ghi vào sổ tay. Lúc đầu, học sinh khó làm được điều này và các em hoàn toàn có thể nhờ thầy chỉ ra.

Mức 3: Trao đổi. Nhiều em học mà không trao đổi là sai lầm. Những kiến thức mình có được, nếu đem ra trao đổi, sẽ có dịp nắm chắc kiến thức, đồng thời học hỏi thêm nhiều kiến thức mới. Những kiến thức học mót thì không thể toàn diện được.

Mức 4: Học tự do. Lúc này học sinh có thể tự tin làm ở mọi dạng bài, cả trong sách giáo khoa và trong các dạng đề thi. Tuy nhiên, học sinh phải thực sự bản lĩnh mới chọn đúng cho mình những bài vừa sức. Nếu xông vào bài quá khó, sẽ rất mất thời gian mà đôi khi, đề thi bây giờ không đề cập đến.

Vậy, làm thế nào để cân đối được giữa học toàn diện và học có mục đích, học đầy đủ mà thi vẫn tốt? Muốn vậy, ngay từ lớp 11, thầy chủ nhiệm và học sinh đã phải thống nhất và tìm ra con đường đi trong tương lai, phương hướng nghề nghiệp rõ ràng. Để cân đối được, người thầy phải nắm vững được trình độ của từng học sinh, từng nhóm học sinh để có kế hoạch đầu tư thích hợp. Tôi tin là thầy giáo, cô giáo chủ nhiệm nào cũng có khả năng làm được điều này nếu theo sát học trò của mình.



Bùi Kiên Cường: Thủ khoa khoá 99-04 Trường ĐH Bách khoa Hà Nội

Mình học theo sở thích: Đó là môn Vật lý. Và mình còn có một niềm say mê là rất thích thi học sinh giỏi nên suốt ngày luyện các bài tập trong bộ đề Giải toán Vật lý của trường Lê Hồng Phong TP.HCM. Để nắm vững lý thuyết hơn nữa, mình tập làm các thí nghiệm đơn giản ngay tại nhà. Ngoài ra, mình đọc rất nhiều sách tham khảo về vật lý hiện đại.

Để chuẩn bị thi đại học, mỗi buổi tối (từ 21h đến 24h) mình làm một đề, theo đúng giới hạn thời gian. Ngoài ra, khi làm các đề thi, mình sẽ phát hiện được dạng bài nào mình chưa biết để học ngay. Tuy làm thử nhưng vẫn phải làm bài cẩn thận, đúng và đủ các bước vì ba rem họ cho rất chi tiết. Dựa vào ba rem, mình biết chỗ nào nhiều điểm để không được bỏ qua bước đó.

Rất tiếc là thời gian ôn thi mình không sờ đến các đề Lý, đó chính là sai lầm nên mình bị điểm thấp ở môn sở trường này. Mình bị mất điểm ở những bài rất dễ do tính toán nhầm. Trong khi Toán và Hoá mình đều được 10 điểm thì Lý lại được có 8,5 điểm. Sau này, khi thi vào học hệ chất lượng cao của trường Bách khoa, mình đã rút ra được một bí quyết: Nghĩ nhanh nhưng viết chậm. Nếu mình viết nhanh, tính toán ẩu thì sẽ mất thời gian rà soát nhiều hơn là mình làm từng bước cẩn thận. Một kinh nghiệm nữa là những môn mình cảm thấy học chắc lại rất dễ chủ quan, làm ẩu. Bởi vậy, các bạn cần cẩn thận.
 
Top