Nam Tào, Bắc Đẩu

huynh_ngoc_long

New Member
Nam Tào, Bắc Đẩu


Ngay khi màn đêm buông xuống vào những ngày tháng 5 này, chúng ta hãy ra ngoài và nhìn lên bầu trời sao. Hình dạng chòm sao nào nổi bật nhất và dễ xác định nhất trên bầu trời? Nếu bạn sống ở bán cầu bắc, hãy nhìn ở phía trên cao, chệch về phía Bắc, bạn sẽ thấy tất cả 7 ngôi sao sáng lấp lánh hợp thành chòm sao Bắc Đẩu nổi tiếng.

Cái Gàu sòng - Bắc Đẩu

Với hầu hết người ngắm sao, chắc chắn chòm sao Bắc Đẩu là chòm sao quan trọng nhất trong bầu trời đêm. Ở các nước có vĩ độ cao, nó không bao giờ lặn xuống khỏi đường chân trời. Hình dạng đặc biệt của nó khiến rất dễ nhận ra trên bầu trời, và là "công cụ" dễ dàng nhất để định hướng.

Ở các nền văn hóa, 7 ngôi sao sáng này được gọi với các tên khác nhau. Ở Đông Á: Trung Quốc, Việt Nam... nó có tên gọi là Bắc Đẩu vì được xem như có hình dạng như cái đấu hay cái gàu múc nước. Tại Mỹ chòm Bắc Đẩu có tên gọi khác là Cái Muỗng Lớn (Big dipper). Một số nơi khác lại hình dung ra hình dạng của một cỗ xe. Ở Ireland, nó được ví như “cỗ xe chiến mã của vua David” (King David's Chariot), một trong những vị vua đầu tiên của hòn đảo này. Ở Pháp, nó là “Great Chariot”. Một cái tên phổ biến khác là Charles’s Wain (Cỗ xe kéo của Charles). Ở nước Anh, 7 ngôi sao này được gọi là “cái cày” (The Plough).

Chòm sao Bắc Đẩu được dùng để xác định sao Bắc Cực. Điều này được thực hiện dựa vào 2 ngôi sao sáng nằm ở cạnh ngoài của chiếc gàu. Hai ngôi sao sáng này là Dubhe và Merak - được xem là kim chỉ bắc, bởi vì nó luôn chỉ về sao Bắc Cực (Polaris). Hãy tưởng tượng trong đầu, bạn kéo dài đường thẳng giữa hai ngôi sao Dubhe và Merak khoảng 5 lần khoảng cách 2 sao này, đường thẳng này cuối cùng sẽ hướng bạn tới một ngôi sao có độ sáng trung bình. Đó chính là Polaris- sao Bắc Cực.
080509-ns-big-dipper1-02.jpg

Từ chòm Bắc Đẩu tìm hướng bắc và sao Bắc Cực

Thập Tự Phương Nam - Nam Tào

Nhưng những ai sống ở bán cầu Nam, chòm Bắc Đẩu sẽ không còn hữu dụng nữa, thay vào đó là một chòm sao khác được chọn để xác định phương hướng trên bầu trời đêm, đó là chòm sao Crux - Cây thập tự Phương Nam. Ở phía nam xích đạo (lúc này vào tháng 5 đang ở giữa mùa thu), chỉ cần ngước nhìn về hướng Nam chúng ta sẽ nhận ra rõ một cây thập tự được treo trên bầu trời. Với một số người, nó lại trông giống như một con diều. Cây thánh giá tạo thành bởi 4 ngôi sao sáng, 2 trong số chúng là Acrux và Becrux, có độ sáng biểu kiến cấp 1. Từ trên xuống dưới, chiều cao của Crux được đo là 6 độ - dài hơn khoảng cách giữa hai sao chỉnh hướng(Dubhe và Merak) của Bắc Đẩu chút xíu. Thật sự, chòm Thập Tự Phương Nam là chòm sao có diện tích trên bầu trời nhỏ nhất trong tất cả các chòm sao. Giống như Bắc Đẩu ở bầu trời bán cầu Bắc, chòm Thập Tự Phương Nam cũng được dùng để định hướng. Thanh dài hơn của cây thánh giá chỉ hầu như chính xác về phía cực Nam của bầu trời, nơi được các phi công và người đi biển đặt tên là "Cái hốc đen Nam Cực" (South polar pit), vì thật sự không có một ngôi sao sáng nào ở vị trí điểm Nam cực cả.
080509-ns-big-dipper2-02.jpg

Từ chòm Thập Tự Phương Nam tìm cực nam

Tương truyền rằng, Amerigo Vespucci, nhà thám hiểm Châu Âu đầu tiên nhìn thấy chòm sao này và đặt tên là chòm "Bốn ngôi sao" (Four star), trong chuyến hải hành lần thứ 3 của ông vào năm 1501. Nhưng trên thực tế, Crux được nhìn thấy ở bất cứ đâu trên nước Mỹ khoảng 5000 năm trước, vào thời Ai cập cổ đại và Babylonia. Theo Richard Hinckley Allen (1838-1908), một chuyên gia về tên gọi sao, cây thánh giá phía nam được thấy lần cuối cùng trên đường chân trời ở Jerusalem vào khoảng thời gian lúc Chúa bị đóng đinh.

Bầu trời thay đổi do sự tiến động - sự chuyển động lắc lư quanh trục của Trái Đất. Sau hàng thế kỷ, cuối cùng chòm sao Crux cũng đã ngừng dịch chuyển về phía Nam

Chòm Thập Tự Phương Nam và tinh vân Bao Than là vệt đen phía bên trái
Chòm Thập Tự Phương Nam và tinh vân Bao Than là vệt đen phía bên trái
Ở ngay bên phía đông nam của chòm Crux có một khoảng đen như mực hình quả lê, diện tích gần như lớn bằng cây thánh giá, trông giống như cái hố đen lớn ở giữa vùng Ngân hà (Milky Way). Khi John Herschel lần đầu tiên thấy nó tại mũi Hảo Vọng, Nam Phi vào năm 1835, ông đã viết thư về cho người cô, Caroline về “cái hố trên bầu trời”. Quả thực, quá ít ngôi sao được nhìn thấy trong phạm vi của vùng đen này, và nó nhanh chóng được mọi người biết đến với tên gọi Coalsack (Bao Than). Ban đầu không ít người đã tưởng tượng nó là một cửa sổ đi vào vũ trụ. Ngày nay chúng ta đã biết Coalsack (tinh vân Bao Than) là một tinh vân tối, một đám mây khổng lồ gồm bụi và khí gas đó hấp thu ánh sáng của các ngôi sao ở sau nó .

Sự giới hạn của tầm nhìn.

Có thể rất nhiều bạn đọc, chưa bao giờ nhìn thấy chòm Bắc Đẩu hay Thập Tự Phương Nam. Thật là trùng hợp , vào thời gian này trong năm, cả hai đều ở vị trí cao nhất trên bầu trời vào cùng một thời điểm: ngay sau khi màn đêm ập xuống vào những ngày cuối tháng 5 và đầu tháng 6. Để thấy Crux ở bắc bán cầu, vĩ độ quan sát phải nhỏ hơn 25 độ Bắc. Tương tự để thấy được chiếc gàu Bắc Đẩu ở bán cầu nam phải quan sát ở các vĩ độ nhỏ hơn 25 độ Nam. Thật may mắn, nước Việt Nam nằm trong vùng có thể thấy được cả chòm Bắc Đẩu và chòm Thập Tự Phương Nam, đặc biệt ở miền Nam chòm Crux lên khá cao khỏi chân trời.

Chòm Thập Tự Phương Nam dân gian còn gọi là chòm Nam Tào, nếu bạn muốn nhìn thấy cả Nam Tào và Bắc Đẩu thì còn chần chờ gì nữa ?!

Thật thú vị, chòm Bắc Đẩu và Thập Tự Phương Nam đã được chọn làm hình tượng trên một số lá cờ. Chòm Bắc Đẩu được vẽ trên cờ của bang Alaskan. Thập Tự Phương Nam có thể được tìm thấy trên lá cờ của Úc, New Zealand, Papua New Guinea, Samoa và Brazil. Điều thú vị nữa là trên những lá cờ của các nước Australia, Brazil, Papua New Guinea và Samoa, “Crux” được vẽ với năm ngôi sao, trong khi đó cờ của New Zealand thì chỉ có 4 ngôi sao sáng nhất trên cây thập tự, ngôi sao mờ (Epsilon Crucis) đã bị bỏ qua.

Anakin323, Nguyễn Tuấn
Theo Space

Chú thích

(1) Không hiểu tại sao từ lâu có rất nhiều người dùng tên gọi Bắc Đẩu cho sao Bắc Cực(Polaris), thậm chí là trong cả sách giáo khoa. Trong chương trình “Đường Lên Đỉnh Olympia” gần đây cũng có đáp án gọi Bắc Đẩu cho sao Bắc Cực. Đây là sự nhầm lẫn trong tên gọi.
Về tên gọi Bắc Đẩu: "Đẩu" ( 斗 4nét ) có nghĩa là cái đấu, cái chén, cái vại... Bắc Đẩu ( 北斗) thực chất không phải một ngôi sao mà là một mảng sao gồm 7 sao, chúng có vị trí sắp xếp trông tựa cái xoong, cái gàu múc nước....(tức"đẩu"). Chòm bắc đẩu theo thiên văn hiện đại là 7 sao chính của chòm Gấu Lớn. Ngoài Bắc Đẩu Thất Tinh còn có tên gọi Nam Đẩu Lục Tinh là 6 sao có hình cái gàu tương tự trong chòm Cung Thủ (Sagittarius).

(2) Hiệp Hội Thiên Văn Quốc Tế – International Astronomical Union (IAU) đã chia bầu trời thành 88 chòm sao. Các tên gọi như Bắc Đẩu, Big Dipper với phần sao của chòm Gấu Lớn, hay Thần Nông đối với chòm sao Bọ Cạp... chỉ là tên gọi tương ứng trong các nền văn hóa với một phần của các chòm sao theo ranh giới hiện nay. Ở tiếng Anh người ta gọi các tên dạng này là “asterism”- các chòm sao không chính thức, để phân biệt với “constellation”- các chòm sao chính thức.

(nguồn: www.vietastro.org)
 
Top