Đón mưa sao băng Leonids 11- 2008: Nhớ bão sao băng

huynh_ngoc_long

New Member
Đón mưa sao băng Leonids 2008: Nhớ bão sao băng

Nguồn: www.vietastro.org

Mưa sao băng Leonids có nguồn gốc từ một sao chổi ngắn hạn Tempel-Tuttle có chu kỳ 33 năm. Vào khoảng giữa tháng 11 hằng năm, Trái Đất di chuyển trên quĩ đạo của mình quanh Mặt Trời cắt vệt bụi do sao chổi Tempel-Tuttle tạo ra, hàng loạt các mảnh vật chất nhỏ gồm bụi và băng bị Trái Đất hấp dẫn và bốc cháy tạo thành vệt dài khi xuyên qua bầu khí quyển. Đó chính là những sao băng Leonids nổi tiếng mà những người yêu thích bầu trời vẫn trông chờ chúng "đến hẹn lại lên".
Ảnh họa sĩ vẽ về đêm bão sao băng năm 1833​
Leonids đã từng là trận mưa sao băng lớn nhất được lịch sử ghi nhận, nó nổi tiếng đến nỗi nhắc đến mưa sao băng người ta có thể nghĩ ngay đến cái tên Leonids. Ở các năm đạt đỉnh điểm, Leonids được ví như một trận bão sao băng, với hàng loạt quả cầu lửa (fireball) xuất hiện trên bầu trời. Những sao băng rất to và sáng vốn là đặc trưng của Leonids. Đêm 12/11/1833 nhiều người dân Bắc Mỹ đã hoảng loạn thật sự khi bầu trời như rực lửa, hàng trăm...hàng ngàn vệt sao băng xuất hiện liên tục suốt hơn 9 tiếng trên bầu trời như báo hiệu của ngày tận thế. Người ta đã ước tính có đến 240.000 sao băng rơi trong đêm đó, một con số "khủng khiếp".
Thế nhưng sau những năm huy hoàng đó, mật độ của vệt bụi lại mỏng dần và Leonids quay về với thực tại là một trân mưa sao băng trung bình nhỏ chỉ khoảng 20 sao/h khi vào lúc cực điểm. Chu kì này là khoảng 33 năm, theo chu kì quay quanh Mặt Trời của sao chổi Tempel-Tuttle. Mỗi khi sao chổi quay trở lại, vật chất bên ngoài của nó sẽ bị gió mặt trời thổi bạt ra khỏi phần nhân tạo thành đuôi sao chổi và đây cũng chính là vật chất mà sao chổi sẽ để lại tạo thành những đám bụi nguồn cơn của mưa sao băng.
Chưa phải thời của Leonids.
Đỉnh điểm của Leonids gần đây nhất là những năm cuối thế kỉ 20 và đầu thế kỉ 21 này, đặc biệt là vào năm 2001 khi có hàng ngàn sao băng được nhìn thấy trong đêm(năm 2001 thời tiết không thuận lợi cho người quan sát ở Việt Nam vì trời mây rất nhiều). Đối với tôi (Nguyễn Tuấn) năm 1998 là năm đầu tiên tôi quan sát mưa sao băng Leonids. Ấn tượng đầu tiên luôn luôn đẹp, và có lẽ phải mất đến gần 30 năm nữa người bạn cũ - Leonids mới có thể trình diễn cho tôi xem lại đêm hội của sao băng...
Cho đến nay trận mưa sao băng Leonids đã bị suy yếu rất nhiều và rất khó dự báo chính xác, tần suất trung bình chỉ khoảng 15 sao/giờ.

Thế nhưng đừng bỏ qua Leonids
Năm nay chúng ta cũng sẽ đón chờ Leonids vào khoảng thời gian quen thuộc xung quanh ngày 17/11.Với điều kiện thời tiết nước ta hiện nay đang không ổn định, tần suất sao băng thấp và bị ảnh hưởng mạnh bởi ánh sáng trăng nên Leonids năm nay không thực sự lí tưởng cho một đêm sao băng hoành tráng. Thế nhưng theo kinh nghiệm quan sát bản thân vào năm 2004 (Orion Đôn) thì trận Leonids để lại nhiều ấn tượng không phải về số sao băng thấy được mà vì nét đẹp từ những vệt sao băng dài và sáng, đa số có ánh trắng vàng rất đẹp. Cho nên nếu bạn là người có lòng kiên nhẫn và đam mê quan sát sao băng không phải vì thích thấy sao rơi liên tục mà đón chờ một ánh sao thật đẹp và có thể nói lên kịp một điều ước thì Leonids là một sự lựa chọn tốt cho bạn. Hãy thử vận may của mình xem.

Quan sát như thế nào.
Bạn có thể quan sát sao băng kéo dài cả đêm khi chòm sao Sư Tử - Leo xuất hiện, nhưng tất cả các trân mưa sao băng đều có một khoảng thời gian kéo dài 1đến 2 giờ khi sao băng xuất hiện nhiều nhất gọi là cực điểm.

Theo thông tin từ www.imo.net, trang dự báo sao băng tin cậy nhất , Leonids là một trong những trận mưa sao băng rất khó chịu trong việc dự đoán cực điểm, bằng chứng là từ 2001-2006, các dự đoán cực điểm của nhiều chuyên gia đã không chính xác với cực điểm. Với tính chất bất thường này năm nay đã có nhiều dự đoán khác nhau về cực điểm cụ thể như sau:

-Theo truyền thống hằng năm cực điểm vào khoảng: 9h00m UT ngày 17 (16h00m ngày 17 - giờ VN)
-Theo nhà thiên văn Mikhail Maslov: 0h20m UT ngày 17 (7h20m ngày 17 – giờ VN)
-Theo Jérémie Vaubaillon: có thể có 2 cực điểm độc lập: 1h30m UT ngày 17 với đám bụi 1466 - 21h30m ngày 18 với đám bụi 1932 (8h30m ngày 17 - 4h30m sáng 19 - giờ VN)

Với nhiều dự báo như thế dễ làm chúng ta bị rối, các bạn yên tâm, nếu nhìn chung lại các thời điểm cũng chỉ xung quanh các ngày 17-18. Vào lúc này chòm Leo (Sư Tử) tâm điểm của mưa sao băng chỉ mọc lên cao khỏi chân trời ở Hướng Đông khoảng 20 độ từ khoảng 2h sáng trở đi, đây mới là điều kiện tiên quyết của chúng ta. Vì vậy tốt nhất bạn hãy tập trung quan sát vào đêm 16 rạng ngày 17 từ lúc 2h sáng trở đi vì đây là thời điểm gần với các dự đoán nhất. Nếu có đủ kiên nhẫn bạn hãy kiểm tra cả đêm 17 rạng 18 và đêm 18 và rạng 19, xung quanh các buổi gần sáng này tần suất sao băng sẽ cao hơn bình thường.

Vùng tâm điểm sao băng ở hướng đông​

Nếu bạn đã xác định được chòm Leo thì sẽ dễ dàng, nếu chưa bạn cũng đừng lo. Quan sát mưa sao băng là việc quan sát tổng quát cả vùng trời rất rộng xung quanh tâm điểm sao băng, không đòi hỏi chính xác tỉ mĩ .Hãy quan sát bao quát vùng trời hướng chính Đông và các vùng lân cận vào thời điểm có sao băng. Trong các rạng 17-18-19 bạn cũng sẽ thấy mặt trăng rất sáng khá cao ở hướng Đông. Trời đã bắt đầu lập đông khá lạnh và nhiều sương vào buổi sáng, nhớ chuẩn bị áo khoác và mũ chống sương khi quan sát bạn nhé. Chúc bạn có được sao băng đẹp cùng điều ước cho riêng mình.

Từ khóa: Kiên nhẫn quan sát bao quát vùng trời phía đông nơi có chòm Leo từ sau 2h sáng các ngày 17,18,19/11.
Kết quả: Mật độ sao băng rất thấp vì trăng sáng những nếu thấy được dù chỉ 1 cái sao băng Leonids bạn sẽ rất ấn tượng vì độ sáng của nó.

Clear sky,
Orion Don, Nguyễn Tuấn
 
Top